Bốn tháng qua, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam, các điều kiện kinh doanh, do các địa phương ban hành đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp mong muốn loại bỏ những điều kiện kinh doanh, "giấy phép con" để gỡ khó, giúp hàng hoá thông suốt.
Cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà doanh nghiệp
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho Lao Động biết, tháng 8 vừa qua, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện phương án "một cung đường, hai điểm đến". Tuy nhiên, việc thực hiện phương án này cần rất nhiều thủ tục, qua nhiều cấp chính quyền khác nhau.
Ví dụ, khi doanh nghiệp trình phương án "một cung đường, hai điểm đến" phải được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Sau đó, Chủ tịch tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá các điều kiện hoạt động.
Để thực hiện mô hình sản xuất này, doanh nghiệp phải thuê khách sạn cho công nhân ở với quy mô khoảng 500 công nhân. Với quy mô này, khách sạn nhỏ không đáp ứng được mà phải khách sạn 3-4 sao.
Để đánh giá khách sạn 3-4 sao có được phép là nơi ở cho công nhân "một cung đường, hai điểm đến" hay không lại thuộc thẩm quyền của Sở Du dịch. Sở Du lịch sẽ cử cán bộ xuống để khảo sát, đồng thời phối hợp với lực lượng y tế đánh giá các tiêu chuẩn về điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch.
Song, Sở Du lịch chỉ quyết về phương diện cho khách sạn đó hoạt động. Còn cho nhân viên khách sạn đi làm trở lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Lúc này chủ khách sạn phải trình và xin ý kiến của chính quyền địa phương. Chưa kể, nhân viên khách sạn còn phải xin giấy đi đường, hoặc test nhanh virus SARS-CoV-2... Để hoàn thiện các thủ tục phải mất gần 1 tuần.
"Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ làm như vậy là đúng quy trình. Nhưng với doanh nghiệp như chúng tôi lại rất vất vả; phải chạy ngược chạy xuôi lo giấy tờ, thủ tục", ông Lĩnh nói và cho biết, hiện nay khi dịch đã dần được kiểm soát, các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kinh doanh.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phục hồi, các địa phương nên cắt giảm bớt các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Để cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, ngày 14.10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7417 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ ngành vào cuộc cắt giảm thủ tục hành chính
Liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khôi phục các hoạt động kinh doanh trong điều kiện mới, trao đổi với Lao Động, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian vừa qua, bộ đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ, cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, bộ này đã xây dựng Quyết định số 3231 về việc ban hành Kế hoạch rà soát đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2021. Theo đó tiến hành rà soát, xem xét phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với 42 thủ tục hành chính.
"Việc đơn giản thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là cắt giảm thủ tục hành chính, mà thực tế người dân, doanh nghiệp cần chính sách ổn định, nhất quán, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Do vậy, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính.
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong cải cách hành chính. Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của cả nước" - đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Xây dựng cũng vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về xây dựng. Theo đó, Tổ công tác sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Đồng thời sẽ rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra "giấy phép con" làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Cần có giải pháp căn cơ
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, từ trước khi COVID-19 bùng phát, thị trường bất động sản đã trục trặc về khung pháp lý và nhiều thủ tục hành chính, nhất là về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng có những biện pháp căn cơ, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp bất động sản. Từ đó, Việt Nam mới có thể vẽ nên bức tranh bất động sản tổng thể vì lợi ích chung.
Mong muốn tạm dừng thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp
Trao đổi với Lao Động, ông Hà Tuấn Anh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Ninh Bình - cho biết, đợt dịch vừa qua đã "đánh đổ" hết kế hoạch của doanh nghiệp, nguồn lao động bị tác động mạnh. Cho nên, bên cạnh việc giảm, giãn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ông Tuấn Anh cho biết, phần lớn doanh nghiệp đều mong muốn tạm dừng thanh kiểm tra thủ tục hành chính, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp đã được lên kế hoạch từ đầu năm (trừ trường hợp có dấu hiệu xâm phạm lợi ích nhà nước và vi phạm hình sự), để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cường Ngô - Phan Anh
Xem thêm: odl.366469-tous-gnoht-aoh-gnah-puig-peihgn-hnaod-ohk-og-ed-noc-pehp-yaig-iaol/et-hnik/nv.gnodoal