Kiếm cớ chạy trốn
Đây có lẽ là chiêu phổ biến và lâu đời nhất. Thực khách có thể trèo qua cửa sổ nhà vệ sinh hay vờ ra ngoài để nghe điện thoại hoặc hút thuốc, rồi không bao giờ quay lại. Điều này đồng nghĩa với việc nhà hàng mất lợi nhuận của cả bàn ăn.
Để đối phó với trường hợp này, nhà hàng nên yêu cầu khách thanh toán hóa đơn trước khi đi ra ngoài, nhất là với bàn đã ăn gần xong.
Bỏ 'vật thể lạ' vào thức ăn
Đây là chiêu rất cũ khác của những kẻ lừa đảo nhà hàng, đến nay vẫn được sử dụng thường xuyên. Khi thực khách đã ăn gần hết hoặc hết sạch đồ ăn, họ bỏ thứ gì đó như một sợi tóc, một con bọ... vào đĩa và yêu cầu gặp người quản lý để khiếu nại.
Trường hợp này rất khó xử lý, trừ khi nhà hàng lắp camera trong phòng ăn hoặc nhân viên nhìn thấy họ giở trò, nếu không sẽ không thể chứng minh được liệu khách nói thật hay không. Khi đó lựa chọn tốt nhất cho nhà hàng tin khách hàng và hòa giải.
Tuy nhiên, nếu vật thể lạ là thứ khá đặc biệt, như một miếng kim loại, thủy tinh trông không giống với bất kỳ thiết bị nào trong nhà hàng, hãy mở Google và tìm kiếm một kẻ lừa đảo tương tự trong khu vực. Rất có thể thực khách này đã thực hiện cùng chiêu trò với các nhà hàng khác.
Bẫy đặt tiệc
Nhiều nhà hàng bị kẻ gian giăng bẫy với chiêu gọi điện đặt tiệc hạng sang sau đó cho người đem rượu tới, nhờ chủ quán nhận và trả giúp tiền rượu. Lấy được tiền, kẻ gian lập tức lặn mất tăm. Rượu này thường là rượu giả hoặc bị hét giá lên rất nhiều. Như vậy nhà hàng vừa mất tiền bàn tiệc vừa mất tiền rượu.
Việc nhận bàn khách đặt trước là điều bình thường tại các quán ăn, nhà hàng. Hầu hết khách đặt bàn rất uy tín nên chủ nhà hàng không nghi ngờ gì. Để hạn chế rủi ro, nhà hàng nên đề nghị khách đặt cọc với những bàn tiệc theo yêu cầu.
Lừa đảo qua ứng dụng giao đồ ăn
Kevin Su, chủ nhà hàng Dine & Dim ở East Chinatown, Toronto, Canada cho biết các nhà hàng thi thoảng "quên" món nào đó trong đơn đặt hàng của khách là điều bình thường. Nhà hàng sẽ hoàn tiền cho khách hoặc gửi lại đồ còn thiếu khi nhận được báo cáo.
Nhưng một số khách hàng đã và đang lợi dụng kẽ hở của ứng dụng giao hàng để lừa đảo. Với Uber Eats, khi khách báo thiếu món, ứng dụng này sẽ hoàn tiền cho khách ngay lập tức mà không cần thắc mắc. Nhà hàng phải chịu chi phí này.
Kevin Su nói, nhà hàng có thể quên những món nhỏ, nhưng không có khả năng giao thiếu các món đắt tiền. Còn kẻ lừa đảo luôn báo thiếu những món đắt đỏ. Kevin Su kể từng có một khách hàng báo không nhận được khay sushi giá 95 USD và món cuốn giá 8 USD, nhưng vẫn nhận được hai món súp miso giá 5 USD.
Các nhà hàng có thể tự bảo vệ bằng cách chụp ảnh mọi đơn đặt hàng, nhưng quy trình đó có thể khó thực hiện với những nhà hàng đông khách.
Với ứng dụng Just Eat, kẻ gian lập tài khoản hoàn toàn mới, thường dưới tên giả, để thực hiện các đơn đặt hàng lớn. Sau khi đồ ăn được giao, người dùng có thể báo cáo "không hài lòng với đơn đặt hàng" cho Just Eat mà không cần gửi bất kỳ bằng chứng nào. Nhà hàng buộc phải chấp nhận yêu cầu hoàn tiền này nếu muốn nhận đơn đặt hàng mới.
Lừa gạt tình thương
Tháng 4/2021, các nhà hàng ở Ottawa (Canada) được cảnh báo về một vụ lừa đảo sau khi một phụ nữ liên tục kêu nghèo đói và xin đồ ăn miễn phí thông qua tin nhắn trên mạng xã hội.
Người này gửi tin nhắn qua Facebook, Instagram cho nhiều nhà hàng với lời lẽ khẩn thiết, kể rằng vợ chồng cô đang gặp khó khăn tài chính, chỉ có thể cầm cự qua ngày, hy vọng nhà hàng gửi cho họ chút đồ ăn ngon để mừng sinh nhật sắp tới.
Một nhà hàng đã thể hiện sự hào phóng bằng cách tặng cho người phụ nữ một giỏ quà trị giá 100 USD do các nhân viên góp tiền. Khỏi phải nói họ thất vọng thế nào khi một nhân viên phát hiện đây chỉ là chiêu lừa đảo để được ăn miễn phí.
Tuệ Anh (Theo Rewardsnetwork, Eater, Recorder)
Xem thêm: lmth.5203734-gnah-ahn-gnort-neib-ohp-aul-ueihc-gnuhn/ten.sserpxenv