Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Ngân hàng trung ương (NHTW), Bộ Tài chính các nước trong khối Đông Nam Á và đại diện lãnh đạo của IMF. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị bàn tròn năm nay tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tổng Giám đốc IMF đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị về sự phân hóa phục hồi kinh tế thế giới hậu đại dịch cũng như ảnh hưởng từ quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và mối đe dọa từ các biến thể mới, nguy hiểm hơn đã làm gia tăng sự không chắc chắn về việc hậu quả đại dịch có thể được khắc phục nhanh chóng như thế nào, đặc biệt là khi khu vực ASEAN đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 mới nhất. Thị trường mới nổi và nhóm các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ chịu tổn thất sản lượng dai dẳng so với dự báo trước đại dịch - do việc triển khai vắc xin tương đối chậm ở hầu hết các quốc gia trong nhóm và nhìn chung, ít hỗ trợ chính sách hơn so với các nền kinh tế phát triển. Theo Bà Tổng Giám đốc, sự phục hồi kinh tế và y tế không đồng đều giữa các nước sẽ vẫn tiếp diễn nếu bất bình đăng trong tiếp cận vắc xin chưa được khắc phục. Sự phục hồi mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro báo trước khả năng điều chỉnh vị thế chính sách tiền tệ. Điều này có thể sẽ tạo ra những tác động lan tỏa đáng kể đối với các nền kinh tế ASEAN, vốn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi làn sóng COVID-19 mới nhất, đặc biệt là từ biến thể Delta. Theo dự báo cập nhật mới nhất của IMF, GDP thế giới năm 2021 đạt 5.9% (giảm 0,1% so với dự báo tháng 4/2021) và năm 2022 đạt 4.9% (tăng 0,5% so với dự báo tháng 4/2021). Cũng theo dự báo này, GDP Việt Nam năm 2021 đạt 3,8% và năm 2022 đạt 6,6% (giảm 2,7% và 0,6% so với dự báo tháng 4/2021).
Quang cảnh hội nghị.
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Ông Changyong Rhee đã chia sẻ triển vọng khu vực, đặc biệt tập trung vào việc triển khai vắc xin trong khu vực. Bà Gita Gopinath, Chuyên gia Kinh tế trưởng của IMF đưa ra các nhận xét về các tác động lan tỏa đối với khu vực ASEAN từ việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến và việc sử dụng các công cụ của Khuôn khổ Chính sách Tích hợp để quản lý các thách thức. Tiếp theo, Tổng Giám đốc IMF đã cùng các Bộ trưởng và Thống đốc các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng các biện pháp chính sách can thiệp hiệu quả. Mặc dù đa số các nền kinh tế ASEAN đã thành công trong việc hạn chế tác động bất lợi của làn sóng COVID-19 đầu tiên vào năm 2020, những ca nhiễm mới nhất - phần lớn do biến thể Delta nguy hiểm hơn gây ra đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Trong tương lai, điều quan trọng nhất là chính sách ưu tiên tiêm vắc xin và đảm bảo triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng. Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sắp diễn ra ở các nền kinh tế phát triển có thể tác động đến: (i) lạm phát trong nước; (ii) biến động dòng vốn; và (iii) ổn định tài chính, đặc biệt là trong ASEAN-5. Sự suy giảm sẽ xảy ra khi một số nền kinh tế ASEAN-5 vốn đã yếu do COVID-19 với các lỗ hổng tài chính gia tăng, bảng cân đối tài chính của hộ gia đình và doanh nghiệp quá căng thẳng, và bộ đệm an toàn vĩ mô thấp. Các nền kinh tế ASEAN-5 có thể sẽ cần sử dụng hợp lý các công cụ của Khuôn khổ Chính sách Tích hợp để ứng phó với những thách thức phía trước.
Kết thúc Hội nghị, đại diện các NHTW, Bộ Tài chính các nước trong khối Đông Nam Á hy vọng IMF tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nước ASEAN trong việc tăng cường công cụ chính sách, hoàn thiện khuôn khổ quản lý, giám sát trong bối cảnh mới này.
HTQT
Ảnh: ĐK
Xem thêm: 780664VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www