Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, xét theo ngành kinh tế, thu nhập từ việc làm bình quân/tháng thay đổi từ mức thấp nhất là của ngành "Nông, lâm, thủy sản" (khoảng 4,3 triệu đồng) đến mức cao nhất là của ngành “Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế" (khoảng 12,1 triệu đồng).
Ở hầu hết các ngành, kết quả khảo sát đều cho thấy mức thu nhập của lao động nam cao hơn từ 500 nghìn-2 triệu đồng so với lao động nữ. Riêng với ngành “Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế", thu nhập của lao động nữ cao hơn hẳn lao động nam.
Tuy có mức thu nhập bình quân cao nhất nhưng Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế có số lao động chiếm trong mẫu nhỏ, độ tin cậy thấp. Nếu không tính ngành ngày, thì ngành có thu nhập bình quân cao nhất Việt Nam đang là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với trung bình 9,6 triệu đồng (giao động từ 9,5-9,7 triệu đồng).
Một số ngành khác có mức thu nhập bình quân tháng khá cao so với mặt bằng chung như là thông tin và truyền thông với 9,54 triệu đồng (giao động từ 8,6-10 triệu đồng); hoạt động kinh doanh bất động sản với 9,07 triệu đồng (giao động từ 8,5-9,3 triệu đồng); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (8,3-9,3 triệu đồng)...
Tuy nhiên, nếu so sánh thu nhập bình quân của những ngành top đầu với chính nó năm 2019, có thể thấy các ngành này đều chứng kiến mức thu nhập bình quân lao động giảm nhẹ.
Năm 2019
Năm 2019, thu nhập bình quân của các ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (9,5-10,8 triệu đồng); thông tin và truyền thông (8,7-10,3 triệu đồng); hoạt động kinh doanh bất động sản (8,7-9,7 triệu đồng); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (9,1-9,8 triệu đồng)... đều cao hơn so với năm 2020.
Có một số ít ngành chứng kiến mức thu nhập bình quân tăng trong năm 2020 như khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình...
Một số ngành vẫn còn có mức thu nhập thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình trong năm 2020 như nông, lâm, thủy sản (3,4-4,7 triệu đồng); dịch vụ lưu trú, ăn uống (4,8-5,9 triệu đồng); hoạt động dịch vụ khác (4,9-5,6 triệu đồng); hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình (4,2-5 triệu đồng)...
Báo cáo cũng cho thấy, hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn 5,0 triệu đồng, chỉ riêng có nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất là gần 4,9 triệu đồng. Nhóm "Nhà lãnh đạo" và "Chuyên môn kỹ thuật bậc cao" có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao nhất, tương ứng là 10,5 triệu đồng và 8,8 triệu đồng.
So sánh thu nhập từ việc làm bình quân/tháng theo giới cho thấy thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của nam cao hơn nữ ở tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật, trong đó nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật chênh lệch nhiều hơn nhóm không có bất cứ một trình độ nào. Chênh lệch thu nhập giữa nhóm có trình độ “Đại học trở lên” với nhóm “Chưa đào tạo chuyên môn kỹ thuật” là khoảng 1,5 lần.
Số liệu cho thấy, khoảng 40,9% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần, thấp hơn 5,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và có 30,9% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. Mặt khác, số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng thấp (6,6%), tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2019.
Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,9%) cao hơn của nữ (27,4%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần của năm 2020 là 21,8%; tỷ trọng này chênh lệch đáng kể giữa thành thị (15,2%) và nông thôn (25,0%). Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (13,4%) và cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (30,7%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (9,3%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (3,6%).
Hoàng Hà
Nhịp sống kinh tế