Chiều 18-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Thủ tướng cho biết đất nước ta đã trải qua 4 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 4 đang từng bước được kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Chính phủ tổ chức buổi gặp mặt đại diện các anh chị em, y, bác sĩ từng tham gia chống dịch trong suốt hai năm qua, dù không gặp hết được những người đã tham gia chống dịch từ Bắc chí Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt tri ân lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch. Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì lực lượng y tế tuyến đầu đã làm trong suốt hai năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm.
“Không được phép buông tay”
“Tại cuộc gặp mặt này, chúng ta dành thời gian để ôn lại những ngày tháng khốc liệt và sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Công việc còn nhiều, các chính sách với lực lượng chống dịch đang tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất để hoàn chỉnh. Do thời gian vừa qua, chúng ta tập trung chống dịch cho nên việc hoàn thiện chính sách còn khiếm khuyết và có phần chậm trễ. Tinh thần của gặp mặt là chia sẻ khó khăn, đoán định những khó khăn sắp tới sẽ vượt qua thế nào”- Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng và Bộ Y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch. Có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa chăm sóc bệnh nhân.
Cũng theo ông Long, có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ. Có những bác sĩ nghỉ hưu lặn lội hàng ngàn cây số vào Nam. Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang... Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh.
“Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí cao cả”- ông Long nói.
Bộ trưởng Y tế đánh giá đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”.
Các thầy thuốc đều xác định “Không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh.
Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến.
“Thay mặt Bộ Y tế, tôi ghi nhận và biểu dương những cống hiến to lớn, tinh thần xả thân và nhiệt huyết của tất cả các chiến sĩ áo trắng đã tham gia chống dịch… Đặc biệt, xin gửi lời cảm ơn tới gia đình của các thầy thuốc, mặc dù phải chịu sự xa cách và luôn lo lắng cho sự an toàn của người thân của mình nhưng đã luôn ở bên cạnh, động viên, khích lệ, là điểm tựa, là niềm tin để các thầy thuốc vượt qua những gian khổ, hiểm nguy, hết lòng vì sức khỏe nhân dân”- ông Long nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cũng nhắc nhở “không được phép quên dịch COVID-19 vẫn đang còn” và “không được phép lơ là, mất cảnh giác”.
“Đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực, chuyên môn, đồng thời phối hợp với các cấp các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe”- vẫn lời ông Long.
Không sợ COVID-19 là cách sống mới, cần chấp nhận
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương nhận định có thể coi COVID-19 là đại dịch nguy hiểm nhất của thế kỷ 21.
COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng ghê gớm cho mọi hoạt động của xã hội Việt Nam. Những tổn thất vô cùng to lớn mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều.
Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương. Ảnh: VGP
Được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số, bác sỹ Hiếu đã đưa ra nhiều đề xuất đáng chú ý.
Ông đề nghị xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp xã.
Người nhiễm COVID-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị.
Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội...
Ông cũng đề nghị tách đôi bệnh viện với hai lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm COVID-19…. Khu điều trị COVID-19 nên chia làm ba: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và Khu hậu COVID-19.
Đặc biệt, theo ông Hiếu, cần đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TP.HCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như COVID sản khoa, nhi khoa, lão khoa ... để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình.
“Không sợ COVID-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong với người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ? Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi”- ông Hiếu nói.
Bác sỹ Hiếu cho hay sau những ngày vừa qua, bài học lớn nhất ông rút là phải nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
"Trước đây, chúng ta chú trọng phát triển các kỹ thuật cao ở bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh”- bác sỹ Hiếu nhấn mạnh và cho rằng trong đại dịch mới thấy hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện còn một số bất cập, cụ thể là nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men.
Thời gian tới, các địa phương cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, đảm bảo cuộc sống để họ yên tâm học tập. Các nhân viên y tế tuyến huyện không đủ điều kiện sinh sống và làm việc sẽ rất khó tập trung vào nâng cao tay nghề.