Giọng cô gái nhẹ nhàng vang lên đầu giây kia khiến tôi khựng lại. Cô ấy là Vũ Hoàng My- Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam 2010. “Bình thường tôi hiếm khi bốc số lạ, không bốc máy sau 8h tối. Nhưng từ hồi dịch, đi tình nguyện, tôi bốc điện thoại kể cả số lạ, check tin nhắn thường xuyên…Tôi từng nhận được những cuộc gọi nhờ giúp đỡ lúc 11-12h đêm”- Á hậu Hoàn vũ chia sẻ.
Cô là một trong những người đẹp kiên trì, tích cực tham gia hoạt động chống dịch cùng đội ngũ nghệ sĩ tình nguyện. Đồng nghiệp gọi vui bảo “My lỳ đòn”. Bởi cô từng nhiễm bệnh, phải điều trị cách ly tại nhà 14 ngày. Sau thời gian khỏi bệnh, Hoàng My lại tiếp tục lên đường.
Người đẹp Hoàn vũ bắt đầu tham gia từ ngày 20-6. Tham gia chống dịch, Hoàng My và các tình nguyện viên trải qua nhiều công việc khác nhau. Ban đầu cô và các nghệ sĩ hỗ trợ y bác sĩ nhân viên y tế trong khâu lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, sắp xếp hàng, đảm bảo giãn cách, đi chợ giúp dân…Nhưng khi dịch bùng phát mạnh, số ca không ngừng tăng, có ngày chỉ riêng thành phố hơn 8000 ca, Hoàng My và khoảng 20 tình nguyện viên nghệ sĩ đã được đào tạo để tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID.
Vất vả, công việc thường xuyên đối diện, tiếp xúc với F0, từng hai lần rơi vào trường hợp nguy cơ lây nhiễm cao…, nhưng cô chẳng ngại. Giai đoạn khó khăn nhất với Hoàng My và nhiều anh em nghệ sĩ đó là những ngày thành phố hơn 8000 ca nhiễm mỗi ngày. Rồi cô nhiễm bệnh, dù đã tiêm vaccine. Xét nghiệm ra kết quả âm tính nhưng những triệu chứng thì chẳng lẫn vào đâu được. Bác sĩ dặn phải tự cách ly theo dõi điều trị 14 ngày, bởi đây là những triệu chứng bệnh. Trợ lý của Hoàng My bị nhiễm, sau 4 ngày kiểm tra 2 vạch “đỏ chót”.
Sau 14 ngày nằm yên trong nhà, điều trị cho đến khi chính thức khỏi bệnh, Hoàng My và những người bạn lại tiếp tục lên đường. Nhưng lần này, thay vì trở lại công việc lấy mẫu, cô tới bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID Thủ Đức. Đây là bệnh viện chữa trị cho các ca nhiễm COVID nặng. Cô muốn hỗ trợ đồ bảo hộ, dụng cụ y tế cho các bệnh viện, giúp đỡ các bác sĩ trong khả năng của mình.
“Có thẻ đi đường, tôi và vài người bạn đi mua gạo, đồ ăn để tranh thủ ra đường thấy ai khó khăn lại biếu tặng. Tôi tập trung vào những công việc: giúp F0, hỗ trợ bác sĩ tiêm vaccine, hỗ trợ bác sĩ ở bệnh viện tuyến cuối…
Tôi hỗ trợ bác sĩ chữa bệnh cho F0 tại nhà, lập danh sách, ghi lại triệu chứng, hỏi bác sĩ, mua thuốc giúp họ. Có một giai đoạn bệnh viện quá tải, tôi thấy cách chữa online tại nhà rất hay và hiệu quả. Nhiều gia đình biết tôi đi chống dịch, khi cấp bách họ không biết cầu cứu ai họ gọi cho tôi, người này người biết chia sẻ với người kia…Mùa dịch bệnh, đêm khuya số lạ tôi vẫn bốc máy vì sợ lỡ như có ai cầu cứu. Tôi đã giúp được 5-6 gia đình, người trẻ rất nhanh khỏi, người già thì khó khăn hơn mất khoảng 3 tuần -1 tháng để xét nghiệm âm tính. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau trẻ có, già có tầm 19-89 tuổi, có những gia đình toàn người lớn tuổi. May mắn tất cả đều đã khỏi bệnh”- Hoàng My hạnh phúc chia sẻ.
Nghệ sĩ tham gia tình nguyện có đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, quê quán, nơi ở khác nhau. Người là MC, người là diễn viên kịch, người là ca sĩ, người là nghệ sĩ xiếc, người là Hoá Á hậu, người mẫu... Người đã có nhà riêng, người đang ở trọ. Người ở ngay quận 1, quận 3, người tít Bình Dương, Bình Chánh..
Nhà ca sĩ Quốc Đại ở khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh). Thời gian dài, anh chạy xe máy đi về giữa Bình Chánh - Bình Tân, “mệt muốn xỉu”. “Đi hát tôi có tài xế lái chứ đi tình nguyện mình đâu thể để ai chở mình đi được. Mà tôi thì không lái xe hơi được, thế là tự chạy Honda” – Quốc Đại cười hiền.
Nhìn lại bốn tháng gắn bó với công việc, Quốc Đại cũng chẳng ngờ mình có thể trụ lại đến ngày hôm nay. Bởi kí ức ngày đầu tiên đi làm vẫn “ám ảnh”. “Nói thiệt là ngày đầu đi hỗ trợ, tôi kiệt sức và nản luôn. Hôm đó tôi nói với nhóm là chắc không tham gia nổi vì mình đi tình nguyện mà mọi người còn phải lo cho mình nữa thì tiêu. Mọi người nói tại hôm đầu sẽ vậy mà, đi bữa hai là quen à. Thế là đi. Mà đúng là quen thiệt”- Quốc Đại hài hước chia sẻ.
Phước Hiếu (diễn viên sân khấu Kịch Hồng Vân) khiến nhiều người ngạc nhiên khâm phục khi nhà tít Bình Dương vẫn kiên trì đi về bất kể nắng mưa đồng hành cùng đội.
Diễn viên Phước Hiếu là thành viên nhà xa nhất. Một thời gian dài anh ròng rã chạy xe từ Bình Dương lên TPHCM hỗ trợ chống dịch.
Trong Team tình nguyện viên nghệ sĩ, nhà Hiếu ở xa nhất. Sau này có khách sạn 0 đồng hỗ trợ nên chặng đường đỡ cực, anh có thời gian, sức khoẻ tập trung cho công việc thiện nguyện. Phước Hiếu tham gia đội ngũ tình nguyện nghệ sĩ từ những ngày đầu. Nếu dịch không bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp thì tháng 11 này là lễ cưới của Phước Hiếu và người thương. Lịch bay ra Đà Nẵng chụp hình cưới của đôi bạn trẻ cũng đành phải huỷ.
Ngày biết anh có ý định tham gia tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, cô lo lắng mất ăn mất ngủ, nhất quyết không cho. Dịch bệnh nguy hiểm đã đành, chưa kể nhà tận Bình Dương, đi về tính sơ sơ chặng đường một ngày trên dưới trăm không số. “Vợ không khuyên ngăn mà tuyệt đối không cho đi luôn. Sợ nguy hiểm…Tôi năn nỉ, thuyết phục, xin đi thử ba ngày trải nghiệm. Tôi mặc đồ bảo hộ, xịt khuẩn an toàn…bảo vệ mình giúp được những người khác nên sau đó cô ấy xuôi xuôi rồi cho đi luôn”- Phước Hiếu tự hào kể về vợ sắp cưới.
Hơn 100 ngày tình nguyện, từ những người xa lạ, khác lĩnh vực, các nghệ sĩ xích lại gần nhau hơn. Hơn 100 ngày tình nguyện, những chai nước, hộp bánh lót dạ, câu cảm ơn của bà con gửi tặng là món quà vô giá với anh em nghệ sĩ. Từ 4,5 thành viên ban đầu, đội nghệ sĩ tình nguyện của Nhà văn hoá Thanh Niên hiện nay đã lên tới hơn 100 người.
Hoàng Bách, Phương Thanh, Quốc Đại mang âm nhạc đến bệnh viện, khu cách ly...
Quỳnh Hoa, Phương Thanh, Quốc Đại, H’Hen Niê, Vũ Hoàng My, Phước Hiếu, Phùng Thế Phi, Trần Minh Tuấn, Thái Kim Tùng, Huy Cung, Dương Ngọc Hà, Đăng Nguyên, Hoàng Phi Kha, Mai Phương Thuý… cùng đông đảo anh em nghệ sĩ đã trải qua những ngày tháng khắc nghiệt và cũng đong đầy cảm xúc, kỉ niệm.
Những ngày dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp ở TP.HCM, nhiều nghệ sĩ đã xung phong lên tuyến đầu hỗ trợ y bác sĩ chống dịch.
Những sân khấu nơi bệnh viện dã chiến, khu cách ly phong toả, âm nhạc vang lên giữa tiếng còi xe cứu thương hụ liên hồi là nguồn động viên khích lệ tinh thần với các y bác sĩ, bệnh nhân đang điều trị.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn đã có 40 năm biểu diễn ở hơn 60 quốc gia, khắp các sân khấu lớn nhỏ nhưng buổi biểu diễn ở khu bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 là sân khấu đặc biệt nhất trong cuộc đời ông.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến.
Hơn 100 ngày tình nguyện không chỉ có nụ cười mà còn có cả mồ hôi và nước mắt. Với Phước Hiếu, chạy xe máy đường xa vất vả thức khuya dậy sớm anh chẳng nề hà. Nam diễn viên chia sẻ giai đoạn khó khăn nhất với anh là khoảng thời gian 2 ngày liên tiếp chỉ riêng thành phố có gần 8000 ca nhiễm.
“Những ngày đó, chúng tôi làm việc từ 7h sáng đến 11h đêm. Sáng nắng cháy đầu, chiều mưa tầm tã. Đi lấy mẫu, sáng chúng tôi đi Bình Thạnh, tối chạy về Gò Vấp lấy mẫu nguyên một ngày. 11h đêm mới kết thúc, về tới nhà phải 12h đêm. Về đọc báo, nay 8000 ca nhiễm….
Những khoảnh khắc vui nhộn hài hước của các nghệ sĩ trong hơn 100 ngày tình nguyện chống dịch.
Cả ngày mặc đồ bảo hộ, hai ngày đó chúng tôi cũng hạn chế ăn uống. Chỉ ăn sáng thôi, làm tới trưa mệt nhoài, tôi thì ăn không nổi, chiều uống được 1, 2 hộp sữa. Tối về mệt quá chỉ muốn ngủ thôi. Tinh thần những ngày đó thực sự khủng hoảng. Người dân rất thương đội ngũ tình nguyện, bà con mang nước bánh cho quá trời. Cũng có người không hợp tác, chúng tôi cũng buồn”- Phước Hiếu trầm ngâm nhớ lại.
MC Hồ Minh Khang cũng là một thành viên tích cực của nhóm Tình nguyện viên nghệ sĩ từ những ngày đầu. Ngày 26-7, anh nhận tin cha mất khi đang tham gia tình nguyện chống dịch tại TP.HCM. Nhà ở tận Lâm Đồng nên Minh Khang không thể về chịu tang cha được.
MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên, đã đi hỏi khắp nơi, tìm mọi cách nhờ giúp đỡ nhưng không có cách nào để ra khỏi Thành phố và dù có về đến Lâm Đồng thì Minh Khang cũng phải đi cách ly tập trung 21 ngày, không thể về nhà lúc này. “Nghe em khóc trong điện thoại mà không thể giúp được, mình chỉ muốn khóc theo và cảm thấy thật bất lực…”- MC Quỳnh Hoa lặng người.
Họ tin rằng, giúp thành phố cũng là giúp chính mình, để một ngày cuộc sống bình thường trở lại, sân khấu sẽ lại sáng đèn, nghệ sĩ trở lại với nghề.
Rồi một ngày dịch bệnh sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại…
Thực hiện: Nội dung: NGUYỄN TRÀ. Ảnh: NVCC- FBNV. Đồ họa: THÙY TRANG