"Thực tế, phần lớn các lợi ích chuyển đổi số dành cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ", TS. Fraser Thompson đến từ công ty tư vấn AlphaBeta chia sẻ trong Báo cáo Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam.
Theo báo cáo, chuyển đổi số sẽ "unlock" 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam đến năm 2030, nhưng ngành hưởng lợi nhất lại không phải công nghệ thông tin, mà lại là ngành nông nghiệp và thực phẩm.
Chia sẻ tại Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Google tổ chức mới đây, TS. Thompson đã lấy ví dụ từ chính những tập đoàn lớn của Việt Nam để minh chứng cho cơ hội lớn của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số.
Thiên Minh được biết nhiều trong lĩnh vực du lịch inbound và bất động sản nghỉ dưỡng. Covid-19 ập đến khiến ngành du lịch – khách sạn lao đao. Tập đoàn này đã nhanh chóng xoay sang lĩnh vực thực phẩm, làm app giao đồ ăn, hiện giao tới 100.000 bữa ăn/ngày cho các cư dân tại Hà Nội và TPHCM.
Nổi tiếng là công ty công nghệ, ít ai biết FPT đã hợp tác với một công ty Nhật Bản thực hiện công nghệ nông nghiệp chính xác "Akisai", kiểm soát vùng trồng bằng các cảm biến real-time, giúp tăng mật độ trồng cà chua lên tới 4.000 – 6.000 cây/1000m2, với hàm lượng chống oxy hóa tăng gấp 3 so với phương pháp trồng thông thường.
"Đây là khởi điểm hết sức xán lạn cho ngành nông nghiệp", ông Thompson nhận định.
Những trường hợp khác như Viettel Telecom hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giáo dục trực tuyến, hay Vinamilk ứng dụng nhà kho thông minh, tăng năng suất gấp 3… là những ví dụ về lợi ích của chuyển đổi số ở cấp độ doanh nghiệp.
Nếu chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp và thực phẩm sẽ đem lại cho Việt Nam hơn 300 nghìn tỷ đồng, Giáo dục và Đào tạo mang lại hơn 280 nghìn tỷ đồng, còn Bán lẻ và Tiêu dùng mang lại hơn 260 nghìn tỷ đồng… đến năm 2030.
8 công nghệ chủ chốt và 3 rào cản
8 công nghệ chủ chốt có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số Việt Nam, theo ông Thompson gồm:
- Internet di động;
- Điện toán đám mây;
- Dữ liệu lớn;
- Trí tuệ nhân tạo (AI);
- Công nghệ tài chính (fintech);
- Internet vạn vật (IoT) và viễn thám;
- Robot tiên tiến;
- Chế tạo đắp lớp (Additive Manufacturing) (VD: sản xuất in 3D...)
Các mô hình kinh doanh mới sẽ giúp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí năng suất cho doanh nghiệp. Các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn logistics do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19. Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,2 triệu tỷ đồng khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.
Báo cáo cũng nêu ra một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số, bao gồm các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số.
Nghiên cứu do Liên minh Internet Á Châu (AIC) thực hiện cho thấy các quy định về nội địa hoá dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á (chậm hơn khoảng 10 lần so với Singapore, chỉ bằng một phần ba Malaysia và một phần hai Thái Lan).
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị