“Tôi bị COVID-19 và đã điều trị khỏi, nhưng sau đó tóc tôi bị rụng khá nhiều. Mỗi lần chải là từng túm tóc dính trong lược” – bà TTMH (46 tuổi, ở TP.HCM) cho biết.
Lo lắng, mất tự tin vì tóc rụng quá nhiều
Chưa đầy 1 tháng sau khi ra viện, tóc bà H. thưa đi đến mức nhìn thấy cả da đầu. Quá lo lắng, bà tới Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM khám.
Sau khi khám và hỏi han tiền sử bệnh nhân, BS nhận định bà H. bị rụng tóc là do quá lo lắng, căng thẳng trong thời gian mắc bệnh COVID-19 và ngay cả khi đã được điều trị khỏi.
Tương tự, bà VTTM (42 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị rụng tóc sau khi điều trị khỏi bệnh COVID-19. “Tôi kinh doanh, thường xuyên tiếp xúc khách hàng. Do tóc quá thưa nên khi gặp gỡ với đối tác cảm thấy không thoải mái như trước” – bà M. nói.
Đến BV Da liễu TP.HCM khám, bà M. được BS cho hay nguyên nhân bị rụng tóc là do sử dụng thuốc chống đông, kháng virus trong thời gian điều trị bệnh COVID-19. “Chưa hết, BS còn nói do tôi không được vệ sinh kỹ càng da đầu nên tóc ít nhiều cũng bị rụng” – bà M. nói thêm.
Nhiều phụ nữ bị rụng tóc nhiều sau khi điều trị khỏi COVID-19. Ảnh: BVCC
Một trong những di chứng sau COVID-19
COVID-19 để lại nhiều di chứng, trong đó có rụng tóc. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của những người từng nhiễm COVID-19 và cả những người chưa nhiễm.
Thông tin trên được BS Trần Kim Phượng, Trưởng khoa Thẩm mỹ da thuộc BV Da liễu TP.HCM, trình bày tại hội nghị khoa học trực tuyến “Chuyên ngành da liễu trong giai đoạn bình thường mới” được BV Da Liễu TP.HCM tổ chức mới đây.
Theo BS Phượng, các chuyên gia vừa thực hiện nghiên cứu với gần 48.000 bệnh nhân COVID-19 ở độ tuổi từ 17 đến 87. Kết quả cho thấy 80% có một hoặc nhiều triệu chứng kéo dài. Trong đó, 5 triệu chứng phổ biến nhất gồm mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn chú ý (25%), rụng tóc (25%) và khó thở (24%).
Một khảo sát ở Hoa Kỳ cho thấy trong 6 tháng xảy ra dịch COVID-19, số người đến khám vì rụng tóc tăng gấp 3 so với 6 tháng trước khi dịch bệnh xảy ra. COVID-19 không chỉ khiến bản thân người mắc bị stress, dẫn đến rụng tóc mà ngay cả người nhà bệnh nhân cũng lo lắng, dẫn đến rụng tóc nhiều hơn.
“Chưa hết, Thái Lan cũng đã nghiên cứu tình trạng tóc, móng và da trên bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Kết quả cho thấy tóc rụng chủ yếu rơi vào nữ giới và liên quan nhiều đến mức độ nặng nhẹ khi nhiễm COVID-19” – BS Phượng cho biết thêm.
Nguyên nhân rụng tóc sau khi đã điều trị khỏi COVID-19 là do stress, sốt cao, thuốc, dinh dưỡng… Một khi bị strees và sốt dễ dẫn đến hiện tượng rụng tóc. Liên quan đến thuốc, bệnh nhân COVID-19 phải dùng thuốc chống đông, kháng virus. Đây là nguyên nhân bị rụng tóc. Ngoài ra, bệnh nhân mắc COVID-19 thường thiếu hụt các chất dinh dưỡng nên dễ rụng tóc.
“Các chuyên gia còn cho rằng bệnh nhân mắc COVID-19 thường hạn chế vệ sinh da đầu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguyên nhân gây rụng tóc” – BS Phượng nói.
Để hạn chế hiện tượng rụng tóc sau khi điều trị COVID-19, bệnh nhân cần trao đổi với BS chuyên khoa để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân. Kế đến, thực hiện các liệu pháp điều trị về tâm lý để thoát khỏi tình trạng stress. Tiếp theo là tăng cường chế độ dinh dưỡng. Thời gian để cắt đứt hiện tượng rụng tóc sau khi điều trị khỏi COVID-19 ít nhất 3 tháng với điều kiện bệnh nhân phải tuân thủ hướng dẫn của BS chuyên khoa. BS TRẦN KIM PHƯỢNG, Trưởng khoa Thẩm mỹ da thuộc BV Da liễu TP.HCM |