Trí thức trẻ đã có buổi trò chuyện cùng ông Bình Trần, đồng sáng lập kiêm giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Ascend Vietnam Ventures. Trước Ascend Vietnam Ventures, ông Bình là đồng sáng lập kiêm giám đốc của 500 Startups Vietnam, quỹ VC đầu tiên tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, với tư cách nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư, ông Bình đã hoàn thành hơn 50 thương vụ đầu tư vòng hạt giống.
Ông có thể nói qua một chút về hành trình sáng lập Ascend Vietnam Ventures?
Ascend Vietnam Ventures (AVV) là bước đi tiếp theo của chúng tôi, sau khi tiến vào thị trường với 500 Startups Vietnam năm 2016. Khi ấy, chúng tôi vào Việt Nam không chỉ đơn thuần là đầu tư, mà còn để xây dựng hệ sinh thái. Tôi cho rằng, năm 2016 cũng là năm khởi đầu của hệ sinh thái công nghệ Việt Nam.
Nếu như trước đó, chưa đến 10% dân số Việt Nam tiếp cận được với internet và tốc độ internet chỉ đạt mức 1mbps, thì đến năm 2016, thời đại internet đã xuất hiện. Năm 2017, tổng giao dịch đầu tư mạo hiểm ở thị trường Việt Nam đạt mức 48 triệu USD, nhưng chỉ 2 năm sau đó, con số này lên đến gần 1 tỷ USD. Đặc biệt, ngay cả khi Covid-19 xuất hiện, xu hướng này vẫn tiếp tục với tốc độ nhanh đáng kể.
Sau khoảng 5 năm, 500 Startups Vietnam đã hoàn thành giai đoạn đầu tư của quỹ, và hiện tại đang duy trì việc hỗ trợ danh mục đầu tư. Cũng trong vòng 5 năm qua, hệ sinh thái đã phần nào trưởng thành, có nhiều mô hình dần xuất hiện và các cơ hội cũng nhiều hơn. Đó cũng là những lý do chúng tôi quyết định thiết lập AVV để tiếp tục đầu tư và phát triển cùng với hệ sinh thái.
Vì sao đang hoạt động ở Mỹ, ông lại quyết định tiến vào thị trường Việt Nam?
Nếu lùi lại một chút và nhìn vào các thị trường mới nổi khu vực châu Á trong thế kỷ qua, có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp "sinh ra" từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... với giá trị và sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Song đến hiện tại, khu vực Đông Nam Á là thị trường mới nổi mới ở châu Á, với tốc độ phát triển nhanh nhất. Tôi nghĩ điểm khác biệt lớn nhất ở khu vực này chính là tính dễ tiếp cận.
Để so sánh, dưới góc độ là nhà đầu tư hay doanh nhân khởi nghiệp nước ngoài, Trung Quốc hay Ấn Độ là những thị trường tương đối khó tiếp cận. Đông Nam Á thì khác, nên tiềm năng tăng trưởng rất đáng chú ý, đặc biệt là Việt Nam hay Singapore.
Chính phủ ở những nước này nhìn chung không áp dụng các chính sách bảo hộ nghiêm ngặt, xóa bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài của nhiều ngành nghề, và khuyến khích các nhà đầu tư kinh doanh tại đây, tạo điều kiện tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp.
Tiếp theo là yếu tố về con người. Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung, hiện có nguồn nhân lực kỹ sư phần mềm dồi dào và tay nghề cao. Khi 2 yếu tố thị trường và nhân lực trên kết hợp với nhau, có thể thấy một số kết quả vô cùng tích cực trong lĩnh vực công nghệ.
Một khía cạnh thú vị khác về Việt Nam chính là việc các công ty phần mềm lựa chọn Việt Nam làm môi trường kiểm thử (test bed). Về cơ bản, từ hoạt động ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp có thể thấy được tính khả thi khi đưa sản phẩm ra các thị trường mới nổi khác.
Tôi tin rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến các doanh nghiệp mang tính biểu tượng và dẫn đầu thị trường quốc tế.
Chiến lược đầu tư của Ascend Vietnam Ventures là gì? Đâu là yếu tố quyết định khi ông chọn đầu tư vào một doanh nghiệp?
Về sản phẩm, chúng tôi quan tâm tới các giải pháp công nghệ cho hai nhóm đối tượng, đó là người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và nếu như startup có thể giúp họ giải quyết các bài toán như thu hút và phục vụ khách hàng, tự động hóa quy trình hoạt động, tiếp cận các dịch vụ tài chính... chúng tôi đánh giá khả năng nhân rộng và tăng trưởng của các startup đó rất cao.
Về phía người tiêu dùng, khi dân số đang chuyển dịch mức thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, họ cũng có rất nhiều nhu cầu như đầu tư cá nhân, tiếp cận các dịch vụ về giáo dục hay y tế chất lượng. Đây đều là các vấn đề chung của các thị trường mới nổi ở châu Á, và là những cơ hội đủ lớn cho quỹ đầu tư mạo hiểm.
Về đội ngũ, chúng tôi quan tâm tới tài năng Việt, những nhà sáng lập và kỹ sư công nghệ ở thị trường này. Họ có kiến thức nền tảng về công nghệ, đã và đang cạnh tranh và học hỏi ở thị trường, nghiên cứu những giải pháp sâu hơn, liên quan đến thuật toán, dữ liệu độc quyền, AI... Từ đó, họ có khả năng xây dựng những sản phẩm mang tính khác biệt cao.
Làn sóng đại dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của quỹ? Thách thức và cơ hội trong giai đoạn này là gì?
Chúng tôi may mắn vì là quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), nên độ nhạy cảm với những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra cũng không nhiều. Một số ngành chúng tôi đầu tư cũng đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể.
Tôi nghĩ rằng tất cả các doanh nghiệp đều đang trải qua những thay đổi vô cùng lớn. Trong vài năm qua, các quỹ VC cũng ngày một nhiều. Ngay lúc này, thị trường nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng không phải mỗi mình, mà mọi nhà quản lý, mọi nhà đầu tư đều đang trải qua những biến đổi của thị trường.
Cho đến nay, trong số các thương vụ đầu tư của mình, đâu là khoản đầu tư ông coi là thành công nhất?
Danh mục đầu tư của quỹ đầu tiên, 500 Startups Vietnam, đã có một vài kỳ lân, điển hình có thể kể đến Axie Infinity. Chúng tôi đã đầu tư vào Axie ở vòng hạt giống và cả 2 vòng gọi vốn sau đó, bao gồm vòng mới nhất do quỹ quốc tế Andreesen Horowitz dẫn dắt. Hiện tại, Axie đang có 5 tỷ USD trong kho bạc (treasury) và staking.
Ngoài Axie, nhiều công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi cũng đã thành công trên trường quốc tế. Điển hình như ứng dụng học tiếng Anh ELSA. Chúng tôi là VC đầu tiên đầu tư vào ELSA và đã hỗ trợ họ tăng trưởng. Đến năm sau, ELSA dự tính sẽ gọi vốn vòng Series C. Chúng tôi cũng đầu tư vào Trusting Social, hiện đang có mặt ở các thị trường Ấn Độ, Bangladesh, và Phillippines.
Thành thật mà nói, nhiều người biết đến câu chuyện tăng trưởng vĩ mô của Việt Nam, nhưng họ không biết đến thành công của các sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Lý do gì để ông đầu tư vào Axie Infinity, trong khi nhiều quỹ trước đó có cơ hội tiếp xúc nhưng đã quyết định không đầu tư?
Theo tôi, đầu tư mạo hiểm nghĩa là tìm kiếm những công ty có thể dẫn đầu thị trường trong 5, 10 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro. Với trường hợp của Axie, rủi ro lúc đó vẫn rất cao.
Thời điểm năm 2018 khi chúng tôi gặp họ, Axie có chưa đến 400 người chơi. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng những người sáng lập đều có nền tảng kinh nghiệm tốt, với một nhóm khách hàng ban đầu nhỏ nhưng rất "cuồng" Axie, đến mức họ làm cả video ca nhạc về trò chơi này (cười).
Câu chuyện gọi vốn lúc đó của Axie không phải là câu chuyện về traction (kết quả kinh doanh và tăng trưởng), mà chúng tôi đã đặt cược vào đội ngũ của họ là chủ yếu. Chúng tôi lúc đó cũng chưa biết NFT (Non-fungible token - tài sản số sử dụng công nghệ blockchain) sẽ bùng nổ như bây giờ, mặc dù có thể thấy tiềm năng ứng dụng của nó.
Nguyễn Thành Trung, founder của Axie Infinity, là một tài năng đặc biệt. Cậu ấy không đi du học nước ngoài hay có kinh nghiệm làm việc ở Google, Facebook hay Amazon. Cái cậu ấy có là kinh nghiệm thực chiến ở Việt Nam khi đã sáng lập và làm việc tại các startup ở đây. Chính Trung và đội ngũ của mình, cùng với những con số hứa hẹn về người chơi và cộng đồng họ xây dựng đã thuyết phục chúng tôi.
Tiềm năng của những mô hình như Axie tại Việt Nam là gì?
Việt Nam có những dự án blockchain rất tiềm năng. Những mô hình như Axie không đơn thuần chỉ là câu chuyện về trò chơi. Công nghệ blockchain là một sân chơi nhiều cơ hội cho startup. Nếu như Việt Nam vẫn còn là thị trường "non trẻ" giai đoạn trước kia, thì giờ đây, trong kỷ nguyên của blockchain, Việt Nam đã sẵn sàng.
Nhiều founder Việt với tham vọng xây dựng những công ty dẫn đầu thị trường thế giới hiện đều rất hứng thú với công nghệ này. Như vậy, Việt Nam có lợi thế nhất định.
Như ông đề cập thì Việt Nam đang có thế mạnh về đội ngũ kỹ sư phần mềm. Vậy cơ hội của Việt Nam xuất hiện các tỷ phú công nghệ sẽ như thế nào?
Nền kinh tế nào cũng trải qua giai đoạn khi mà tài sản thực như bất động sản được đánh giá cao nhất, với sự xuất hiện của rất nhiều tỷ phú bất động sản. Các nhà đầu tư vẫn coi bất động sản là trụ cột trong danh mục đầu tư của mình. Nhưng khi công nghệ phát triển, chúng ta cũng sẽ thấy có một sự dịch chuyển tương ứng.
Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán toàn cầu trong vài thập kỷ qua, có thể thấy những doanh nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng, sản xuất, bất động sản... đều đã trở thành các công ty công nghệ. Họ đứng trước 2 lựa chọn, hoặc là nắm bắt xu thế công nghệ, hoặc là thất bại.
Doanh nghiệp ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngành nào bây giờ cũng vậy, chẳng hạn như nếu bạn vận hành một khách sạn, bạn vẫn phải sử dụng công nghệ và dữ liệu để thu hút và phục vụ khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng... để có thể tồn tại và cạnh tranh với đối thủ.
Tôi hay nghe mọi người nói "IT, IT". Với thế hệ mới, khái niệm IT sẽ không còn tồn tại, mà chỉ có khái niệm công nghệ. Công nghệ không phải là IT, là một phòng ban của công ty. Nó là một phần thiết yếu trong mọi hoạt động của các doanh nghiệp, từ marketing, nhân sự cho tới tài chính.
Công nghệ là lĩnh vực có khả năng tạo giá trị kinh tế theo cấp số cao. Việt Nam còn có vị thế đặc biệt để phát triển về công nghệ, nên tôi tin chắc sẽ sớm có những tỷ phú công nghệ Việt.
Quỳnh Lê
Trí Thức Trẻ