Cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu, nằm trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Ảnh: TUẤN PHÙNG chụp lại bản đồ Google Maps
Nội dung đó thể hiện trong công văn của Thủ tướng gửi các bộ liên quan, UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ngày 18-10 về việc đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Qua ý kiến các bộ và đề nghị của UBND tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn vốn ngân sách địa phương như đề nghị của UBND tỉnh và ý kiến của Bộ Giao thông vận tải trước đó.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang để đảm bảo việc đầu tư phù hợp với quy hoạch, đáp ứng tiến độ, chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm triển khai dự án mở rộng cầu Như Nguyệt theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, an toàn công trình, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Sau khi dự án mở rộng cầu Như Nguyệt hoàn thành, đưa vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải (với trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án) có trách nhiệm kiểm soát doanh thu và điều chỉnh hợp đồng BOT dự án nâng cấp, mở rộng đoạn Hà Nội - Bắc Giang, bảo đảm việc thu phí của dự án BOT đúng quy định pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đối với các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong phạm vi đất đai thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đảm bảo yêu cầu tiến độ của dự án; phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang trong việc đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Giữa tháng 8-2021, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án mở rộng 4 cầu Xương Giang, Như Nguyệt, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang trên quốc lộ 1, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến 2.223 tỉ đồng.
Trong đó, cầu Xương Giang (tỉnh Bắc Giang) và cầu Như Nguyệt (bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh với Bắc Giang) nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (nâng cấp từ quốc lộ 1 mới).
Đây là các cầu được xây dựng từ những năm 1998-2003 với quy mô 2 làn xe. Do vốn đầu tư cầu lớn nên chưa được mở rộng trong các dự án mở rộng quốc lộ 1 trước đây.
Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị rút cầu Như Nguyệt ra khỏi danh mục dự án dùng vốn ODA Hàn Quốc. Tỉnh này sẽ dùng ngân sách của tỉnh để mở rộng cầu Như Nguyệt.
Thay vào đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất đưa vào danh mục dự án mở rộng cầu Cẩm Lý (tên khác là cầu Lục Nam) trên quốc lộ 37 và tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.
TTO - UBND tỉnh Bắc Giang tự dùng ngân sách mở rộng cầu Như Nguyệt trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Do vậy, tỉnh kiến nghị đưa cầu Như Nguyệt ra khỏi danh mục dự án dùng vốn ODA, thay vào đó là cầu Cẩm Lý trên quốc lộ 37.