Sáng 19-10, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đối thoại với đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiệp hội, tổ chức quốc tế, đại sứ quán… trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Đẩy nhanh thủ tục, gỡ vướng lưu thông hàng hóa
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho hay qua khảo sát của tổ chức này, tính đến cuối tháng 8-2021 đã có 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội từ tháng 6 đến tháng 8.
Ông Minh cũng cho hay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng thấu hiểu, tuân thủ các giải pháp mà Việt Nam và các địa phương, trong đó có Hà Nội thực hiện để kiểm soát dịch.
Các doanh nghiệp cố gắng khắc phục, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, đồng hành với Chính phủ, các địa phương trong đó có Hà Nội vượt qua đại dịch.
Ông Minh cho biết, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có nhiều kiến nghị với TP, trong đó có vấn đề sản xuất ba tại chỗ, giấy đi đường, hạn chế lưu thông hàng hoá. Qua khảo sát cho thấy, 70% DN cho rằng vận tải, cung ứng, là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
Do đứt quãng chuỗi cung ứng, trong thời gian qua có đến 18% doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác, 16% đang cân nhắc chuyển dịch.
Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp FDI sáng ngày 19-10. Ảnh: TP
“Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn mà là dịch chuyển dịch nguồn cung ứng đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. DN châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cũng cho hay, cộng đồng đánh giá cao Việt Nam, cũng như Hà Nội thời gian qua đã có những giải pháp mở cửa, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá để sớm khôi phục kinh tế, trở lại trạng thái bình thường mới.
Để đẩy nhanh hơn quá trình này, đại diện Eurocham đề nghị Hà Nội tạo điều kiện về thủ tục nhập cảnh cho các nhà đầu tư, các chuyên gia vì hiện nay thủ tục này khiến doanh nghiệp giải quyết mất nhiều thời gian, người nhập cảnh vẫn phải cách ly y tế tập trung…
Tại hội nghị, đại điện các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đề xem xét gia hạn giấy phép (khi hết thời hạn) đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thay vì phải làm thủ tục cấp giấy phép mới; cải cách một số các thủ tục về thuế, hải quan; giãn hoãn thuế, tạo điều kiện cho hàng hoá lưu thông; gia hạn hiệu lực của giấy xét nghiệm…
5 giải pháp của Hà Nội
Chia sẻ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp FDI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho hay để chuẩn bị cho hội nghị TP đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các doanh nghiệp FDI, tổng hợp hàng trăm ý kiến, kiến nghị để tháo gỡ, giải quyết.
Các kiến nghị tập trung vào một số nhóm, lĩnh vực như: đề xuất giảm thuế, giãn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội, việc di chuyển giữa các địa phương trong thời điểm giãn cách, cải cách thủ tục hành chính và lao động phục vụ sản xuất…
“Một số nội dung kiến nghị, đề xuất đã được giải quyết ngay như đề xuất điều chỉnh chủ trương của 03 dự án: Bệnh viện Phương Đông của Công ty TNHH tổ hợp y tế Phương Đông; Dự án B3CC1 của Công ty TNHH JR22 (Hàn Quốc) và Dự án sân golf Sky Lake Resort Club của Công ty TNHH DK ENC (Hàn Quốc). Đồng thời, Thành phố cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong thời gian sớm nhất” - Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.
Ông cũng giao các sở ngành, địa phương của Hà Nội ghi nhận, chắt lọc các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp từ đó tham mưu để TP ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền. Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, UBND TP giao các sở, ngành tổng hợp, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. Ảnh: TP
Đặc biệt, Chủ tịch TP Hà Nội cho hay, tới đây Hà Nội sẽ tập trung giải quyết 5 nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ nhất là tiếp tục nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ, giải quyết. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Đẩy nhanh triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung tháo gỡ các thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các sở, ban, ngành triển khai đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sở, ngành quản lý.
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên-môi trường, y tế... Tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.