Hàng quán nơi vắng, nơi đông
Được bán trở lại từ đầu tháng 10 song đến nay khu ẩm thực ở một số chợ truyền thống như: chợ Tân Định, chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh),... chỉ lác đác một vài hàng quán mở cửa.
Bà Thu Hạnh - chủ tiệm súp cua, gỏi cuốn tại chợ Tân Định cho biết, lượng khách tới trực tiếp còn hạn chế do lo ngại dịch bệnh. Thêm vào đó, thời gian cho phép bán hàng chỉ tới 18 giờ trong khi phần lớn nhu cầu ăn uống là vào buổi tối nên các tiệm càng thêm khó.
Nhiều quán đồ uống gặp khó về chi phí, mặt bằng, lương nhân viên khi mở cửa trở lại.
Một số tiểu thương bán đồ ăn tại đây đã chọn cách bán cầm chừng giữ khách, thậm chí ngưng bán để chờ thời điểm chợ hoạt động ổn định trở lại. Còn bà Hạnh vẫn đều đặn mở hàng bán cho khách từ sáng sớm, đồng thời tập bán hàng trên ứng dụng (app) để cải thiện thu nhập.
Bà Thu Hạnh chia sẻ: “Tôi bán ở chợ này 30 năm, trước bán 10 phần thì nay chỉ còn một nửa. Tôi đăng ký bán thêm trên các app. Nhờ các app rồi thêm khách quen cũng tới nên mấy ngày nay đã có lượng khách trở lại, cũng thấy vui dù không nhiều như trước”.
Quán chè nổi tiếng tại chợ Bến Thành (Quận 1) vắng bóng khách.
Sau gần nửa tháng bán trở lại, tiệm cơm tấm trên đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh của anh Minh Hải đã tấp nập khách. Anh Hải cho biết, gia đình rất phấn khởi khi lượng người đến mua trực tiếp tăng dần và không phải cạnh tranh với các hàng đồ ăn trên app như thời điểm vừa quay lại hoạt động. Mỗi ngày, anh Hải bán hơn 200 suất cơm nên cũng phần nào giải quyết được chi phí mặt bằng, nhân công. Tiệm cũng thực hiện nghiêm hình thức bán mang về cho tới khi thành phố cho phép phục vụ tại chỗ.
Anh Minh Hải cho biết: “Rất mừng vì lượng đơn hàng đã ổn định như lúc chưa có dịch. Số lượng người mua trực tiếp đông hơn đặt qua app. Tôi thấy, tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát. Còn những người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên bán mang về sẽ đảm bảo an toàn cho khách và chủ cửa hàng”.
Mong sớm được ngồi ăn uống tại quán
Việc các hàng quán, dịch vụ ăn uống mở bán trở lại ngày càng nhiều khiến người dân TP cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng khi dần quay về nhịp sống bình thường mới sau thời gian dài giãn cách. Người lao động tự do, tài xế... thì mong muốn hàng quán sớm được phục vụ tại chỗ để có thể tranh thủ ăn uống thay vì ngồi ăn tạm ở vỉa hè như hiện nay.
Ông Hồ Thanh Tài, tài xế giao hàng công nghệ (ngụ Quận 3) chia sẻ: “Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên cũng mong muốn hàng quán mở phục vụ tại chỗ để ghé ăn trưa, chiều lại đi làm. Như vậy thì việc ăn uống đảm bảo vệ sinh và thuận tiện hơn”.
Thực đơn của các hàng quán điều chỉnh dựa theo sức mua của những ngày trước đó.
Trước đó, tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Phạm Đức Hải cho biết, người dân đều mong muốn việc buôn bán hàng hóa trở lại, hàng quán phục vụ ăn uống tại chỗ như bình thường. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 18 thì hàng quán chỉ được bán mang về, chưa cho phép mở bán ăn uống tại chỗ do tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Hiện, Sở Công thương TP.HCM cũng chưa có kế hoạch về việc này.
Hoạt động trở lại sau thời gian dài giãn cách, nhiều hàng quán vốn quen với hình thức buôn bán truyền thống đã nắm bắt cơ hội, tiếp cận và tận dụng các ứng dụng giao đồ ăn để vừa đảm bản an toàn, vừa có thu nhập. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để ngành dịch vụ thiết yếu này thực sự trở lại và phát triển trong thời điểm khó khăn hiện nay./.
Trịnh Giang
VOV
Xem thêm: nhc.6752228191011202-hcac-naig-gnol-ion-uas-mahc-ioh-cuhp-gnou-na-uv-hcid-nauq-gnah/nv.zibefac