Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và các bộ ngành khác trong thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và triển khai các chương trình, chính sách đối với phụ nữ thời gian qua - Ảnh: VGP
Chiều 19-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các tầng lớp phụ nữ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.
Dự cuộc gặp mặt có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Phạm Bình Minh, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Chính phủ; nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.
Cuộc gặp mặt có sự tham dự của các Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện phụ nữ là công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang, trí thức, doanh nhân, các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… trên cả nước.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, phụ nữ cả nước phát huy tinh thần làm chủ, truyền thống tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bằng khả năng và thế mạnh riêng của giới mình - Ảnh: VGP
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho hay, năm 2021 có dấu ấn đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam, với việc lần đầu tiên từ khi đất nước đổi mới, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Chính phủ đã ra nghị quyết ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Lần đầu tiên, trong một chương trình mục tiêu quốc gia có dự án chuyên biệt về bình đẳng giới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác đều thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Tại cuộc gặp mặt, các đại biểu phụ nữ đã phát biểu, chia sẻ về công việc, cuộc sống, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực công tác, làm việc… và nêu một số tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành.
Đảng, Nhà nước ghi nhận những cống hiến và vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Nhân dân biết ơn đức hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng những thế hệ anh hùng của đất nước.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH
Triển khai một số chính sách đối với phụ nữ mang tính tổng thể, toàn diện
Thủ tướng khẳng định còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước và dứt khoát không để ai bị bỏ lại phía sau. Còn nhiều rào cản về văn hóa, chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển phụ nữ và trẻ em gái; nhiều người làm việc trong các khu công nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở khi phải đối mặt với dịch COVID-19; nhiều trẻ em thiếu trường học, nhà trẻ; những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại; việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn hạn chế; nhiều phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình; nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất…
"Dịch bệnh, thiên tai để lại hàng nghìn cháu bé bị mồ côi. Các cháu rất cần sự quan tâm về vật chất và tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao chương trình "Mẹ đỡ đầu" và các sáng kiến khác, thể hiện vai trò hàn gắn "vết thương" của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức xã hội dành cho các em bé mồ côi do thiên tai, dịch bệnh và các rủi ro khác. Các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần chung tay hỗ trợ Hội và các tổ chức xã hội thực hiện thành công các sáng kiến này.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, các bất cập còn tồn tại sẽ dần được giải quyết khi nhìn nhận ra vấn đề để nghiên cứu, ban hành, điều chỉnh và triển khai một số chính sách đối với phụ nữ mang tính tổng thể, toàn diện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách đối với phụ nữ, trẻ em. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục giải quyết.
Thủ tướng tin tưởng, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến luôn tỏa sáng trong mỗi người phụ nữ Việt Nam, lan tỏa ấm áp trong mỗi gia đình, mỗi góc phố, xóm thôn, bản làng để tạo nên bức tranh đẹp, giàu bản sắc riêng của phụ nữ Việt Nam - Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ có liên quan, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan khác rà soát các chủ trương của Đảng với phụ nữ và trẻ em chưa được cụ thể hóa, thể chế hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách để đảm bảo cuộc sống của công nhân, trong đó có nữ công nhân trong các khu công nghiệp, nhất là chính sách về nhà ở, nhà trẻ, trường học để chị em phụ nữ yên tâm lao động, sản xuất. Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch, bố trí đất đai và huy động nguồn vốn để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân.
Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với nữ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chính sách đối với trí thức, nhà khoa học, công nhân, nông dân, vận động viên nữ, nhất là vận động viên khuyết tật.
TTO - Cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021' được đánh giá là ý tưởng rất nhân văn và là quyết tâm cao của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc đề ra các giải pháp để "không ai bị bỏ lại phía sau".