Người dân TP.HCM mong muốn dự án metro Bến Thành - Suối Tiên sớm hoàn thành đưa vào sử dụng - Ảnh: TỰ TRUNG
Nói về các mục tiêu hành động cụ thể của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết ngoài hoàn thiện phương án phòng chống dịch tổng thể, UBND TP cũng đề nghị củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP theo hướng Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế để phù hợp với tình hình mới.
Củng cố y tế cơ sở
Ngoài ra, ông Mãi cho biết thêm TP cũng lên phương án xây dựng cơ chế giám sát và cảnh báo dịch, tập trung củng cố hệ thống y tế, phát triển y tế cơ sở với 3 trụ cột: y tế cộng đồng, y tế điều trị và y tế phục hồi gắn với hoàn thiện mô hình điều trị 3 tầng. Các bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch cũng sẽ được cập nhật để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đời sống theo kết quả kiểm soát dịch.
Khi các vấn đề y tế được đảm bảo, TP sẽ có nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm. Trong đó, TP sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, người dân và các dự án, công trình.
Để phục hồi sản xuất kinh doanh, theo ông Mãi, TP đang tập trung hỗ trợ về vốn, nguồn lực lao động, giải quyết những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp. TP vừa tập trung hỗ trợ cho khu vực sản xuất chủ lực, có giá trị sản xuất lớn, vừa chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, TP tập trung giải ngân đầu tư công.
UBND TP sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan làm việc cụ thể với nhà đầu tư để rà soát từng dự án công trình, đảm bảo tiến độ khối lượng thực hiện và phấn đấu giải ngân đạt 95%. Cân đối, sử dụng hiệu quả khoản điều chỉnh giảm chi đầu tư công, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025. Đồng thời, TP cũng tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo tỉ lệ thu cao nhất có thể, vừa chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu.
Điều chỉnh vốn đầu tư công
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP khóa X đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ - kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm 2021 cũng như triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
HĐND TP cũng thông qua nghị quyết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tổng vốn cho kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỉ đồng, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách TP 14.873,1 tỉ đồng và vốn cân đối ngân sách 127.683,9 tỉ đồng.
HĐND TP cũng thống nhất điều chỉnh vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách địa phương của TP thành 29.270,996 tỉ đồng, giảm 2.705,539 tỉ đồng so với nghị quyết số 81 ngày 9-12-2020. Điều chỉnh giảm vốn 6.444,725 tỉ đồng ở các nhóm: vốn đối ứng 14 dự án ODA, chương trình kích cầu đầu tư (153 dự án), vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu cho quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý (967 dự án)...
Đồng thời HĐND TP cũng thống nhất điều chỉnh tăng vốn 3.794,186 tỉ đồng cho các nhóm: vốn ngân sách TP bổ sung có mục tiêu cho quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý (510 dự án), vốn ngân sách TP tập trung bố trí các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật (138 dự án), vốn ngân sách TP tập trung (216 dự án)...
Biến nguy thành cơ hội để phục hồi kinh tế - xã hội
Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Bà Lệ cho rằng 9 tháng đầu năm 2021 là quãng thời gian vất vả, dịch diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Đây là sự mất mát, là nỗi đau mà TP không bao giờ quên. Do đó, trong giai đoạn tới, chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị TP quyết tâm biến nguy thành cơ hội để phục hồi kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Phá thế độc đạo quốc lộ 22
Từ TP.HCM đi về phía đông ra Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có hai tuyến là xa lộ Hà Nội và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, về hướng tây (đi Tây Ninh) chỉ độc đạo quốc lộ 22 đã quá tải.
Theo ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được chờ đợi nhiều năm qua nhằm khơi thông thế độc đạo của quốc lộ 22, rút ngắn hành trình đi lại, giảm chi phí logistics... Cao tốc này hoàn thành sẽ kết nối với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Để dự án triển khai nhanh, theo ông Hà Ngọc Trường, cần rút kinh nghiệm về các tồn tại ở một số tuyến cao tốc đang triển khai. Theo đó, TP cần phải tiến hành hoàn thiện quy trình, kế hoạch thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước để triển khai dự án. Khi hoàn thiện được quy trình, không chỉ là thực hiện dự án này mà còn làm cơ sở để thực hiện các dự án quan trọng khác như vành đai 3, 4 và các tuyến đường sắt... "Vòng đời của một dự án PPP rất dài có thể kéo dài hai ba mươi năm. Quy trình càng hoàn thiện, chặt chẽ càng làm yên tâm các nhà đầu tư. Qua đó, khi triển khai đấu thầu, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia" - ông Trường nói.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được xây sẽ phá thể độc đạo của quốc lộ 22 - Ảnh: T.T.D.
Trong khi đó, đề cập các bước triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay theo Luật PPP, đối với dự án liên quan đến 2 địa phương thì HĐND 2 tỉnh thành thống nhất nghị quyết giao cho UBND một trong hai địa phương làm cơ quan có thẩm quyền. Đối với dự án này, hiện tỉnh Tây Ninh đã có nghị quyết thống nhất giao TP làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, HĐND vừa có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Bước tiếp theo, UBND TP căn cứ nghị quyết của HĐND 2 địa phương để phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh trình bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất giao UBND TP làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Khi có quyết định của bộ trưởng, TP.HCM sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó mới lập dự án đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khởi công theo quy định.
Đại diện Sở GTVT TP cũng thông tin thêm, trước đó, UBND TP và tỉnh Tây Ninh đã ký kế hoạch thống nhất từng bước, từng mốc tiến độ để 2 địa phương cùng nỗ lực hoàn thiện các thủ tục. "Theo kế hoạch tổng thể đã đề ra, dự án dự kiến sẽ trình Thủ tướng cuối năm 2021" - đại diện sở cho biết.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50km
Về quy mô đầu tư, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch với chiều dài toàn tuyến 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km với 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh dài 26,3km có 6 làn xe. Điểm đầu dự án từ vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu, điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện ở giai đoạn từ 2021 - 2026 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng, trong đó xây lắp 5.417 tỉ đồng, chi phí bồi thường 7.433 tỉ đồng... Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM và Tây Ninh.
Dự án cũng xây dựng một số nút giao khác mức liên thông nhằm đảm bảo kết nối giữa các đường ngang, các khu đô thị dọc tuyến gồm 6 vị trí như đường vành đai 3, tỉnh lộ 8, đường vành đai 4, đường tỉnh 787B, đường tỉnh 782, quốc lộ 22B... Ở các đoạn qua khu dân cư hiện hữu sẽ bố trí đường gom dân sinh một bên hoặc hai bên với quy mộ mặt cắt ngang 5m để tạo điều kiện đi lại cho người dân.
TTO - Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện là tuyến đường cao tốc nối TP.HCM về các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, thời gian gần đây tuyến đường này đang dần trở thành nỗi ám ảnh của giới tài xế bởi tình trạng giao thông lộn xộn, đường xuống cấp…
Xem thêm: mth.80992323291011202-22-ol-couq-oad-cod-eht-ahp-iab-com-mch-pt-cot-oac-om/nv.ertiout