Mới đây, gần 12 triệu tài liệu trong Hồ sơ Pandora được tiết lộ đã cho thấy một số người giàu có và lãnh đạo thế giới đã giấu tài sản của mình như thế nào. Theo tờ The Guardian, so với hồ sơ Panama và Paradise trước đây, hồ sơ Pandora có quy mô lớn nhất với 2,94 terabyte dữ liệu được tiết lộ. Nguồn dữ liệu và khu vực địa lý cũng lớn hơn hai vụ rò rỉ dữ liệu trước đó.
Hồ sơ gồm 12 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính ở các nơi như quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, CH Síp, UAE, Singapore và Thụy Sĩ. Số tài liệu này được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu thập và chia sẻ với trên 650 phóng viên từ trên 100 tờ báo.
Hồ sơ Pandora cho thấy có nhiều lãnh đạo thế giới, chính trị gia và tỷ phú đã sử dụng các tài khoản ở các thiên đường thuế nhằm tích lũy tài sản và thực hiện các giao dịch. Hồ sơ chỉ ra tình hình tài chính bí mật của trên 300 quan chức công như các bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở trên 90 quốc gia. Ngoài các quan chức, trên 100 tỷ phú đã được nhắc tên trong số tài liệu bị rò rỉ. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao nhạc rock, lãnh đạo doanh nghiệp cũng xuất hiện trong hồ sơ Pandora.
Nhiều người đã sử dụng các tài khoản ngân hàng ẩn danh, các công ty vỏ bọc để nắm giữ các tài sản đắt tiền như bất động sản, thuyền buồm. Các tài sản bị che giấu còn có các tác phẩm nghệ thuật như tranh của Picasso, bích họa của Banksy hay đồ cổ được đánh cắp từ Campuchia.
Vậy thiên đường thuế là gì? Các cá nhân, doanh nghiệp thông qua thiên đường thuế để che giấu tài sản như thế nào? Sau đây là những phân tích của 2 chuyên gia tài chính đến từ AFA Capital gồm Nguyễn Minh Tuấn và Phan Lê Thành Long giúp làm rõ hơn hoạt động tài chính tại các thiên đường thuế.
Thiên đường thuế
Theo ông Long, thiên đường thuế là cách tạm dịch của từ “Tax Haven”. Cụm từ này được định nghĩa là các quốc gia, vùng lãnh thổ mà ở đó thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân rất thấp hoặc gần như bằng 0.
Trang Investopedia cũng chỉ ra rõ hơn rằng thiên đường thuế cung cấp cho các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài tối thiểu hoặc không phải chịu trách nhiệm thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng của họ trong một môi trường ổn định về chính trị và kinh tế. Điều này đem lại lợi thế về thuế đối với các công ty và những người rất giàu có.
Những thiên đường thuế nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến gồm Bermuda, Hà Lan, Luxembourg, quần đảo Cayman, Singapore, quần đảo Channel, Mauritius, Thuỵ Sỹ, Ireland.
Các cá nhân, doanh nghiệp khi mở công ty hoặc tài khoản tại đây sẽ có lợi thế gì?
Lợi thế trước tiên, đối với doanh nghiệp và công ty được hưởng thuế suất bằng 0. Theo chuyên gia Long Phan, điều này có nghĩa là doanh nghiệp, công ty kinh doanh lãi bao nhiêu đi nữa thì thuế cũng chỉ bằng 0. Câu hỏi đặt ra là nếu thuế bằng 0 thì các quốc gia này sống bằng gì?
“Họ thu một khoản phí cố định. Anh có lãi 100 tỷ USD hay nghìn tỷ USD thì thuế cũng không phải nộp nhưng sẽ phải đóng một khoản cố định”, ông Long cho biết.
Lợi thế thứ 2 là doanh nghiệp không cần công bố báo cáo tài chính công khai.
Lợi thế thứ 3 và cũng quan trọng nhất chính là tất cả các thông tin tài khoản không cần công khai.
“Như vậy tôi nghĩ đây là một lợi thế cạnh tranh. Nếu tôi có thể ở 2 quốc gia, vừa ở đây, vừa ở Cayman Island thì tất nhiên tôi sẽ có xu hướng khai thuế về quần đảo Cayman Island”, ông Minh Tuấn bổ sung thêm.
Hãy thử phân tích thêm 2 đối tượng được hưởng lợi từ những thiên đường thuế gồm cá nhân và doanh nghiệp, công ty.
Góc độ cá nhân
Xét về mặt tài chính, những vấn đề về thiên đường thuế liên quan đến quản lý gia sản của các cá nhân. Theo chuyên gia Phan Lê Thành Long, một trong những vấn đề quản lý gia sản của những người giàu trên thế giới là tối ưu. Họ phải tránh được thuế tài sản vì khoản thuế này tại quốc gia rất lớn. Ví dụ bạn sở hữu một lâu đài thì thuế tài sản hàng năm của bạn rất lớn. Khi mua tài sản, bạn cũng phải chịu thuế lớn. Như vợ chồng cựu tổng thống Tony Blair tiết kiệm được 434.000 USD tiền thuế khi họ mua một tòa nhà tại London.
Vậy cách các cá nhân mua tài sản thông qua thiên đường thuế như thế nào?
Ông Long cho biết, tại các thiên đường thuế có 3 loại hình định chế được thành lập:
Thứ 1 là quỹ tín thác (Trust Fund)
Thứ 2 là mở công ty con tại các thiên đường thuế
Các tập đoàn đa quốc gia gần như tập đoàn nào cũng có hết ví dụ Apple, Microsoft, kể cả Việt Nam cũng có. Nếu xem báo cáo tài chính của các công ty niêm yết, một số tập đoàn Việt Nam cũng công khai tôi có công ty con tại British Virgin Island trên thuyết minh báo cáo tài chính.
Thứ 3 là các quỹ đầu tư, đặc biệt các quỹ đầu tư công nghệ, quỹ đầu tư tư nhân
Đối với các quỹ đầu tư, khi họ đầu tư vào 10 doanh nghiệp có thể mất 9 nhưng chỉ cần 1 doanh nghiệp thành công thì đã có thể lãi 50 lần. Nếu lãi 50 lần mà quỹ phải đóng thuế ví dụ 20% của phần lãi thì con số rất khủng khiếp. Vì vậy các quỹ đầu tư mở tại thiên đường thuế nhằm tránh thuế.
“Đối với cá nhân, bây giờ giả sử tôi muốn mua một bất động sản ở Paris, London, Thượng Hải. Khi tôi mua, đầu tiên sẽ phải nộp thuế bất động sản, chứng minh được nguồn tiền. Rất nhiều quốc gia nguồn tiền không chứng minh được”, ông Long cho biết.
CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ thêm từ kinh nghiệm cá nhân từng có thời gian sống ở Đức. Theo ông Tuấn, người Việt tại Đức rất khó mua nhà vì khi đi ra ngân hàng phải chứng minh nguồn tiền. Vì nguồn tiền liên quan đến thuế thu nhập. Nếu bạn có tiền mà không nộp thuế trong nhiều năm trước thì không gọi là tiền sạch. Bạn không thể mua nhà. Kể cả bạn mua được thông qua một số hoạt động nào đó nếu Chính quyền phát hiện ra được thì cũng sẽ tiến hành hồi tố.
“Một điều nữa là tôi không muốn cho người khác biết tôi là chủ sở hữu của toà nhà đấy. Thì tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ thông qua một quỹ tín thác tại thiên đường thuế. Tôi chuyển tiền sang đó họ sẽ mua toà nhà ở bất kỳ đâu trên thế giới”, ông Long cho biết thêm.
Nhờ việc giấy tờ đều đứng tên các quỹ Tín thác, không ai có thể biết được danh tính chủ sở hữu của các bất động sản hay tài sản. Ngoài ra thông qua các quỹ này các cá nhân không cần chứng minh nguồn tiền và không phải nộp thuế, tránh được thuế.
“Nếu bạn là một người có vị trí trong xã hội mà không muốn công bố thông tin, muốn tránh thuế thì sẽ tối ưu qua quỹ tín thác đặt tại các thiên đường thuế”, ông Tuấn kết luận.
Ngoài ra chuyên gia Long Phan cũng lấy ví dụ rất phổ biến tại Việt Nam là việc sở hữu cổ phần tại các công ty. Theo quy định của luật pháp, nếu bạn mua 5% cổ phần của công ty thì sẽ trở thành cổ đông lớn. Và cổ đông lớn phải công bố thông tin trước khi mua hoặc bán cổ phần. Vì khi thông qua các quỹ tín thác, các cá nhân hoàn toàn che giấu danh tính của mình muốn sở hữu lượng lớn cổ phần tại các công ty, doanh nghiệp. Ngoài việc tránh thuế, các cá nhân còn lách luật để mua bán dễ dàng tài sản bao gồm bất động sản, cổ phiếu, vàng, những tài sản giá trị khác.
Góc độ doanh nghiệp
Các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới vốn quen thuộc với nhiều người như Apple, Microsoft, Alphabet, Cisco, hay Walmart đều có các công ty con đặt tại thiên đường thuế. Những công ty này được gọi là những công ty ngoại biên. Các tập đoàn lớn trên thế giới khi hoạt động tại Việt nam và muốn tránh thuế, đẩy lợi nhuận lên sẽ đặt công ty con tại các thiên đường thuế nơi có thuế suất rất thấp, bằng 0, không cần công bố báo cáo tài chính, không công khai tài khoản. Họ tối ưu phần thuế phải nộp của mình, được gọi là chuyển giá.
Tại Việt Nam có các Nghị định 20 để khống chế các giao dịch này. Các hồ sơ liên quan đến Panama, Pandora theo chuẩn OECD thì các công ty như vậy phải lập các hồ sơ toàn cầu của công ty để cho cơ quan thuế kiểm tra được.
Vậy họ tránh thuế bằng cách nào?
Ông Long đưa ra ví dụ hình dung đơn giản như sau: Bây giờ một tập đoàn A mở một công ty con tại quần đảo Cayman có thuế suất bằng 0. Họ nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu sau đo sản xuất bán trên thị trường Việt Nam. Tập đoàn này nhập khẩu vào đây giả sử giá là 10, công thêm chi phí sản xuất là 15 họ bán trên thị trường Việt Nam với giá 100, giả sử họ có lãi 85, trừ thêm chi phí có lãi 80 trên giá bán. Họ nộp 20% trên 80 thì mất 16 đồng. Nếu muốn không mất 16 đồng thì làm thế nào?
Tập đoàn A sẽ nhập nguyên vật liệu, máy móc nhưng qua công ty con ở thiên đường thuế. Đáng ra nhập với giá 15 nhưng công ty con bán cho công ty tại Việt Nam với giá 85. Đầu vào của tập đoàn A là 85. Công ty con nhập giá 15, bán lại cho công ty mẹ giá 85. Cộng thêm 5 chi phí là 90, như vậy tập đoàn này có 10 đồng lãi và phải nộp thuế chỉ 2 đồng. Trong khi công ty con ở thiên đường thuế mua giá 15, bán giá 85 lãi 70 nhưng không phải nộp đồng thuế nào. Đây là cách thức các tập đoàn tránh thuế.
Thêm một điều được ông Long phân tích là đối với các tập đoàn lớn như Apple bao giờ cũng muốn tối ưu dòng tiền. Ví dụ hiện tượng Apple mua cổ phiếu nhiều người cho rằng để đẩy giá nhưng thực sự không phải như vậy. Mua cổ phiếu quỹ là hành động tối ưu dòng tiền của tập đoàn này. Apple thu tiền từ bán điện thoại iphone từ bán khắp nơi trên thế giới nhưng tiền chỉ về 1 số điểm ngoài nước Mỹ. Khi tiền chuyển về Mỹ thì thuế chuyển tiền về rất lớn. Thì họ dùng tiền ngoại biên đó để mua thẳng cổ phiếu quỹ như vậy vừa có tác động đến giá cổ phiếu vừa tối ưu dòng tiền.
“Mọi người thường nghĩ hồ sơ Pandora này là trái pháp luật nhưng không phải vậy. Hồ sơ Panama trước đây có rất nhiều đại gia được công bố công khai nhưng mà chúng ta phải hình dung ra những tập đoàn lớn trên thế giới đều có công ty con tại thiên đường thuế và họ hiểu pháp luật, họ hiểu thuế để tối ưu. Quản lý gia sản phải làm như vậy, tối ưu cấu trúc tài chính của tập đoàn cũng phải làm như vậy”, ông Long nhấn mạnh.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị