Buổi tối se lạnh ngày 1/12/1955, trên một con phố đông đúc ở Alabama, cô thợ may 42 tuổi, Rosa Parks lên một chiếc xe buýt để trở về nhà sau một ngày dài làm việc.
Cô ngồi vào một ghế gần giữa xe, ngay sau ghế "dành cho người da trắng". Theo một sắc lệnh của thành phố, người Mỹ gốc Phi và người da màu, bắt buộc phải ngồi ở phía sau xe buýt công cộng và cũng có nghĩa vụ nhường ghế cho các hành khách da trắng nếu phía trước xe buýt chật cứng.
Tại điểm dừng tiếp theo, nhiều hành khách đã lên. Khi tất cả ghế ở khu vực "người da trắng" đã kín chỗ, tài xế yêu cầu những hành khách da đen ở hàng giữa đứng lên để một người đàn ông da trắng ngồi. Một sự im lặng kéo dài 5 giây nhưng tưởng như bất tận khi Rosa vẫn điềm nhiên không nhúc nhích.
Tài xế bối rối nhắc lại: "Cô có định đứng lên không?". Rosa Parks, lúc này mạnh dạn và bình thản, nhìn thẳng anh ta và nói: "Không".
Trong khi đó, 3 người màu khác ngồi quanh Rosa đã miễn cưỡng đứng dậy. Rosa Parks giờ ngồi giữa họ, như một chấm nổi bật giữa khu ưu tiên toàn người da trắng.
"Tôi biết rằng mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi có thể bị xử lý hoặc bị đánh đập. Nhưng rồi bình tâm lại, nếu để bản thân suy nghĩ quá sâu về những gì có thể xảy ra với mình, tôi có thể đã sợ hãi xuống xe ngay sau đó. Nhưng tôi đã ngồi đến bến cuối cùng", Rosa sau này chia sẻ.
Nhận thức về bất công xã hội của Rosa Parks bắt đầu từ khi còn nhỏ. Lớn lên ở Alabama năm 1913, cô ghét cách thiếu tôn trọng với người da đen. Ông nội của cô, một cựu nô lệ, đã truyền cho cô cảm giác tự hào và quật cường.
Nhưng miền Nam nước Mỹ đầu thế kỷ 20 đã tạo ra sự phân biệt chủng tộc rõ ràng nhất có thể đối với người Mỹ gốc Phi. Bắt đầu với những tuyến đường sắt từ thế kỷ 19, nơi người da đen thuộc mọi tầng lớp kinh tế thường phải ngồi những toa xe khó chịu, nhất ngay sau đầu máy. Nó cũng là nơi nguy hiểm nhất trong trường hợp có va chạm hoặc nổ lò hơi.
Với sự xuất hiện của ôtô, người da đen hy vọng có thể thoát khỏi điều này nhưng thực tế không phải vậy. Các trạm dịch vụ và nhà vệ sinh ven đường thường từ chối bán xăng và đồ ăn cho họ. Do đó, họ thường phải làm đồ ăn mang theo và những chiếc xô hoặc chai nhựa để đi vệ sinh.
Đến năm 1905, mọi tiểu bang miền Nam cấm người da đen ngồi cạnh người da trắng trên xe điện. Vào những năm 1950, những hành khách da đen cũng phải chịu đựng sự đối xử bất công tương tự của các tài xế xe buýt trong thành phố. Các tài xế xe buýt có thể yêu cầu họ nhường ghế cho người da trắng bất cứ lúc nào và với số lượng bao nhiêu tuỳ thích.
Người da đen chỉ được lên buýt bằng cửa sau, vì cửa trước dành cho người da trắng. Những người không tuân thủ các quy tắc này có thể bị bạo hành bằng lời nói, tát, đập xuống sàn, đẩy ra khỏi cửa, đánh đập...
Khi những câu chuyện về những người lái xe ngược đãi và những vụ làm nhục tiếp tục lan rộng, sự tức giận trong cộng đồng người da đen ngày càng lớn. Tuy nhiên, hầu hết thời gian, sự phẫn nộ vẫn không có phản ứng gì. Mong đợi những người Mỹ gốc Phi chống lại những luật lệ và truyền thống lâu đời này nghĩa là yêu cầu họ đối diện với cái chết.
Rosa Parks do đó đã bị bắt và bị kết tội vi phạm luật ưu tiên. Cô đã bị xét xử 4 ngày sau, và bị kết tội Gây rối trật tự theo luật của tiểu bang và bị phạt 14 USD.
Câu chuyện của Rosa nhanh chóng đến tai cựu chủ tịch của NAACP, Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu, được thành lập vào năm 1909 và là tổ chức dân quyền lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ.
Ông đã hỏi Rosa liệu NAACP có thể sử dụng vụ án của cô để chống lại sự phân biệt chủng tộc hay không và Rosa đồng ý. Nữ bị cáo đã kháng cáo bản án sơ thẩm, hiểu rõ những rủi ro sắp ập đến như bị quấy rối, hành hung, thủ tiêu, tẩy chay, mất việc...
Trong xã hội thượng tôn người da trắng thời kỳ đó, một phụ nữ lao động tầng lớp dưới, thêm màu da không thuộc loại "được ưu tiên" trong luật pháp, Rosa cần rất nhiều can đảm, dù chỉ để ngồi im một chỗ. Nhưng cô ấy càng phải can đảm hơn để đứng trước cuộc đấu tranh hàng trăm ngày sau đó cùng cả cộng đồng mình.
Rosa không phải là người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm điều này. Trên thực tế, hai phụ nữ da đen khác trước đó đã bị bắt trên xe buýt ở Montgomery và được những người ủng hộ dân quyền coi là đầu mối liên hệ tiềm năng để thách thức luật pháp. Tuy nhiên, cả hai sau đó đều tỏ ra ngần ngại và dần rút lui.
Nhưng Rosa thì khác, cô luôn toát ra sự nhân hậu, chân thành nhưng vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Những người lãnh đạo phong trào đấu tranh dân quyền đã trao niềm tin đúng người, vụ án của Rosa đã gây ra một chuỗi phản ứng cộng đồng vô cùng sôi sục.
Cuộc tẩy chay xe buýt công cộng của người da đen ở Montgomery kéo dài 381 ngày, đánh dấu cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên của đất nước chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, Tòa án Tối cao loại bỏ luật ưu tiên với người da trắng trên hệ thống xe buýt công cộng ở Alabama.
Nó cũng thúc đẩy nhiều cuộc biểu tình các thành phố khác, điển hình là phong trào của Martin Luther King, Jr., lãnh đạo nổi tiếng toàn thế giới của phong trào dân quyền.
Với việc thúc đẩy sự ra đời Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965, Rosa Park được mệnh danh "mẹ đẻ của cuộc đấu tranh dân quyền", một trong những cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ.
Tổng thống Obama, trong số nhiều người khác, ghi nhận "hành động của Rosa Parks không đơn giản là "ngồi im", nó đã truyền cảm hứng cho các phong trào dân quyền kéo dài cho đến ngày nay.
"Rosa Parks nói với chúng ta rằng dù là ai, luôn có điều gì đó ta có thể làm để thay đổi thế giới theo cách của mình", ông Obama nói trong buổi lễ khánh thành bức tượng của bà tại Điện Capitol năm 2013, nơi Rosa được vinh danh cùng với nhiều đời tổng thống và các nhà lãnh đạo quân đội khác.
Chiếc xe buýt số 2857 lịch sử được trùng tu cẩn thận, hiện đang đậu bên trong Bảo tàng Henry Ford và mở cửa cho tất cả mọi người.
Hải Thư (Theo History, The Henry Ford, The Guardian, One)
Xem thêm: lmth.8443734-gnad-hnib-neyuq-iod-hcid-neihc-gnoux-iohk-mi-iogn-un-uhp-iougn/ten.sserpxenv