Theo nhiều chuyên gia, việc xác định lại khu trung tâm TP là hợp lý khi khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những chức năng mà khu trung tâm cũ còn thiếu. Tuy nhiên, khi phát triển khu trung tâm mới TP.HCM cần lưu ý bài toán kết nối giao thông.
Bốn định hướng của trung tâm mới TP.HCM
Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM mà Sở QH-KT TP.HCM vừa trình UBND TP xác định: “Trung tâm của TP.HCM bao gồm khu vực nội thành hiện hữu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Theo Sở QH-KT, trung tâm TP.HCM mới sẽ là nơi tập trung nhiều công trình hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ, các công trình điểm nhấn, hiện đại và các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.
Sở QH-KT TP lý giải: Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm TP.HCM. Khu này có các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Thủ Thiêm sẽ đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm TP hiện hữu (930 ha) còn thiếu và hạn chế phát triển.
Sở cũng đưa ra định hướng quản lý kiến trúc khu trung tâm mới của TP.HCM gồm bốn lưu ý. Thứ nhất, tạo lập cảnh quan khu trung tâm công cộng khang trang, đồng bộ, hiện đại, xanh và hài hòa với môi trường, cảnh quan của từng khu vực, khuyến khích kết nối không gian mở, hạn chế xây dựng hàng rào ngăn cách công trình, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận (trừ những khu vực cần bảo vệ an ninh).
Thứ hai, khuyến khích kết nối về không gian giữa các loại hình công trình công cộng, kể cả không gian ngầm, khuyến khích kết hợp phát triển các trung tâm công cộng với các dự án bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc, đô thị có giá trị để tạo lập không gian đô thị có đặc trưng riêng biệt.
Thứ ba, khuyến khích quy hoạch và trồng cây xanh tán lớn, kết hợp tổ chức các quảng trường, vườn hoa, đài phun nước, tượng đài, phù điêu, tiểu cảnh nhỏ trong các khu vực trung tâm công cộng.
Khu trung tâm mới của TP.HCM sẽ được xác định lại rộng hơn và hiện đại hơn. Đồ họa: HỒ TRANG
Thứ tư, các công trình cần được nghiên cứu thiết kế với chất lượng cao về công năng, thẩm mỹ và kỹ thuật, khuyến khích tổ chức thi tuyển kiến trúc. Khuyến khích loại hình kiến trúc hiện đại kết hợp phát huy các giá trị truyền thống, phù hợp với điều kiện cảnh quan và không gian đô thị môi trường tự nhiên và tập quán sinh hoạt.
Dấu ấn kiến trúc Đông Dương mang nhiều giá trị nghệ thuật nổi bật sẽ là những điểm nhấn kiến trúc quan trọng, cùng với các dấu ấn của kiến trúc hiện đại, đương đại phản ánh sự hội nhập năng động với các trào lưu trên thế giới, góp phần tạo nên diện mạo chung cho kiến trúc TP.HCM.
Lưu ý hạ tầng, quy hoạch khu trung tâm mới
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, nói: “Việc xác định lại khu trung tâm mới của TP cũng có trong quy hoạch chung TP.HCM, TP đã có khu trung tâm cũ 930 ha, nay thêm khu Thủ Thiêm để bổ sung những chức năng khác cho trung tâm TP”.
Theo ông Mười, khu Thủ Thiêm sẽ bổ sung nhiều chức năng cho trung tâm TP mà trung tâm TP cũ 930 ha không còn đất, không còn quy mô để phát triển. Ví dụ, Thủ Thiêm sẽ là trung tâm kinh tế - tài chính, nơi đây sẽ có khu quảng trường rộng lớn, có thêm nhiều mảng xanh - công viên, có cả nhà hát giao hưởng…
KTS Khương Văn Mười cũng cho rằng mỗi thời điểm lịch sử, sự phát triển của thế giới khác nhau thì kinh tế của mỗi quốc gia cũng khác nhau. Thời điểm này, với việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam thấy được các vị thế phát triển của đất nước, vì thế cần quy hoạch khu trung tâm mới TP.HCM khang trang hơn, mở rộng hơn.
Bàn về việc lấy Công viên 23-9 làm điểm nhấn quy hoạch cho khu 930 ha theo dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM, ông Mười cho biết trước đây công viên này là ga xe lửa cũ, TP trồng cây xanh là để phủ xanh TP, chưa quy hoạch cụ thể.
“Trước đây từng có quy hoạch của nước ngoài đối với khu này nhưng không triển khai được, sau đó cũng có ý kiến định đưa nhà hát giao hưởng về đây nhưng không thành hiện thực. Cũng rất may khi đến nay Công viên 23-9 chưa làm gì nên chúng ta có cơ hội quy hoạch và lấy đó làm điểm nhấn” - KTS Mười nói.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng thông thường quy hoạch của TP sẽ đi trước và giao thông đi sau. Tuy nhiên, khi xác định lại khu trung tâm mới của TP.HCM thì chúng ta cần quan tâm phát triển giao thông kèm theo.
“Quy hoạch tới đâu, chúng ta sẽ đầu tư giao thông tới đó. Nếu trong quá trình quy hoạch có bất cập thì giao thông sẽ điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh cho hợp lý. Chúng ta cần lưu ý giao thông kết nối từ trung tâm TP hiện hữu qua khu Thủ Thiêm” - ông Hùng lưu ý.•
Các phân khu cụ thể trong trung tâm TP mới Theo Sở QH-KT TP.HCM, khu trung tâm hiện hữu 930 ha được chia thành năm phân khu để quản lý kiến trúc. Phân khu 1 là lõi trung tâm TP, phân khu 1 có diện tích khoảng 92,3 ha, với chức năng là khu vực lõi của trung tâm TP, các công trình kiến trúc tại đây chủ yếu có chức năng thương mại - tài chính (CBD). Phân khu 1 lấy Công viên 23-9 làm điểm nhấn quy hoạch, kiến trúc. Phân khu 2 là khu vực tập trung nhiều các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm văn hóa - lịch sử, diện tích khoảng 212,2 ha. Phân khu 3 là khu dọc theo sông Sài Gòn (bờ tây). Phân khu 4 là khu thấp tầng. Phân khu 5 là khu vực lân cận phân khu 1 về phía nam. Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Được chia thành tám khu chức năng, bố trí tại các vị trí đất nền tự nhiên cao hơn của bán đảo Thủ Thiêm nhằm hạn chế khối lượng san lấp và tạo mối liên hệ chặt chẽ với trung tâm hiện hữu phía bờ tây sông Sài Gòn. Thứ nhất, khu phức hợp khách sạn. Thứ hai, khu phức hợp tháp quan sát. Thứ ba, không gian quảng trường trung tâm. Thứ tư, bờ sông Sài Gòn từ trung tâm hội nghị quốc tế đến khu tháp quan sát. Thứ năm, cung thiếu nhi. Thứ sáu, công trình vòng quay khổng lồ tại khu 2c. Thứ bảy, vùng châu thổ phía nam và công viên đầm lầy. Thứ tám là khu phức hợp bến du thuyền. |