vĐồng tin tức tài chính 365

Từ cô gái ghét nấu ăn đến bà chủ thương hiệu ẩm thực truyền thống

2021-10-20 09:19

Năm 2017, trên thị trường quà tết Hà Nội xuất hiện những hộp bánh chưng mang thương hiệu Nương Bắc với giá thành lên tới gần 1 triệu đồng/chiếc. Gần 4 năm sau lần ra mắt đầy bất ngờ ấy, thương hiệu Nương Bắc không chỉ dừng lại ở bánh chưng mà còn có thêm nhiều sản phẩm sử dụng gạo khác như xôi, quẩy…Ít ai ngờ, bà chủ của thương hiệu rất đỗi truyền thống này lại là một phụ nữ không hề thích nội trợ.

Khi không biết thì mình có thể suy nghĩ vượt giới hạn

Nhắc đến một thương hiệu ẩm thực truyền thống như bánh chưng Nương Bắc, nhiều người chắc hẳn cho rằng bà chủ của nó phải là một người đam mê nấu ăn, nấu ăn rất giỏi hay được thừa hưởng nghề gia truyền. Thế nhưng, câu trả lời từ chị Nguyễn Thu Hoài - Nhà sáng lập và CEO Công ty Nương Bắc sẽ khiến không ít người ngạc nhiên: “Nhà tôi không có nghề gia truyền gì cả và cá nhân thì đặc biệt không thích bếp núc”. Tuy nhiên, CEO Nguyễn Thu Hoài cho biết mình “đặc biệt rất là thích ăn và ăn rất sành”.

“Những năm đầu tiên khi mới tập tành kinh doanh là năm 2012, lúc đó tôi mới làm mẹ và bén duyên với việc bán sản phẩm mỹ phẩm xách tay. Tuy nhiên, cứ bán hãng nào thì hãng đó lại dần dần về Việt Nam. Tôi nghĩ đến lúc phải có cái gì của riêng mình để dù ông lớn nào vào Việt Nam thì mình không lo không cạnh tranh được. Hồi đó, hầu hết người trẻ đều kinh doanh những ngành hiện đại như mỹ phẩm và thời trang. Riêng ngành truyền thống thì rất ít người trẻ theo, nhất là ẩm thực thì toàn các cô các bác. Tôi nghĩ đây là một tia sáng cho mình”, CEO Nguyễn Thu Hoài chia sẻ về quá trình khởi nghiệp.

Khi quyết định kinh doanh sản phẩm truyền thống, điều khiến chị Nguyễn Thu Hoài băn khoăn nhất và cho rằng đó là nhược điểm lớn nhất của mình:  Không biết nấu ăn.

Thế nhưng, nhược điểm này đã nhanh chóng được chị Hoài biến thành thế mạnh: “Sau khi bản thân bị mâu thuẫn như vậy, thì tôi phát hiện ra, khi mình không biết mình lại nghĩ cái mà người ta không nghĩ. Khi mà mình biết rồi, như các cô bác thế hệ trước thì họ cứ làm mãi theo một cách. Mình không biết nên mình toàn làm những cái cách mà người ta nghĩ rất là vô lý. Khi tôi nói ra cách của mình thì những người xung quanh rất buồn cười, nhưng tôi thắc mắc “ủa, tại sao không được?”.

Từ những suy nghĩ "chẳng giống ai", những chiếc bánh chưng Nương Bắc “đắt nhất Việt Nam” được trình trình làng năm 2017, rồi sau này là bánh chưng nhân cá hồi chưa từng có…

 
 Đồng hành cùng CEO Nguyễn Thu Hoài là những nghệ nhân truyền thống.

Sau 4 năm, CEO Nương Bắc đã phát triển được 1 nhà xưởng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rộng 350m2, showroom trưng bày và mô hình trải nghiệm cho các khách hàng tại Hà Nội.

Thông qua thương mại điện tử, CEO Nguyễn Thu Hoài cũng đã phát triển hệ thống phân phối với 25 thành viên, sản phẩm Nương Bắc hiện diện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên, Phú Thọ….

"Phá băng" định kiến

Nhắc tới câu chuyện phụ nữ khởi nghiệp, CEO trẻ Nguyễn Thu Hoài chia sẻ: “Phụ nữ rất thiệt thòi, nếu như họ rất thành công trong công việc thì lại rất cô đơn trong cuộc sống hôn nhân. Đó là cái mà tôi cũng rất đau đáu”.

“Người phụ nữ ở Việt Nam phải cáng đáng rất nhiều vai trò. Đâu đấy, những thế hệ đi trước như bố mẹ, ông bà đều cho chúng ta một hình ảnh phụ nữ thì phải nữ công gia chánh và hiền thục, đảm đang. Hiện tại, tôi đang kinh doanh các sản phẩm ẩm thực truyền thống nhưng tôi hoàn toàn không thích nội trợ và cũng không biết nấu ăn”, chị Hoài chia sẻ.

Khi kinh doanh sản phẩm truyền thống, điều mà CEO Nguyễn Thu Hoài lo lắng là nếu mình không làm  đúng truyền thống sẽ gặp phản ứng, bởi vì những doanh nghiệp nhỏ như của chị chủ yếu dùng "nhân hiệu" - dùng hình ảnh cá nhân của mình để marketing cho sản phẩm.

“Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng chỉ khi sống đúng với cái bên trong của mình thì mình mới mạnh mẽ nhất”, chị Hoài bộc bạch.

 
Sản phẩm xôi truyền thống của Nương Bắc/Ảnh: NVCC.

CEO Nguyễn Thu Hoài không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình để nhắn nhủ tới phụ nữ thông điệp hãy chấp nhận khiếm khuyết của bản thân để được hạnh phúc: “Trong quãng thời gian đầu xây dựng gia đình thì tôi rất stress, bởi vì mình không thích nội trợ. Xã hội gắn cho mình một định kiến là phụ nữ thì phải biết nấu ăn, bố mẹ cũng động viên và bản thân mình cũng cố gắng đi học nấu ăn nhưng tôi rất stress. Thực sự khi phải làm công việc mình không thích tôi rất căng thằng. Đấy là quãng thời gian mà người ngoài không hình dung được nhưng sâu bên trong, tôi thấy rất không hạnh phúc. Đến khi bắt đầu kinh doanh thì tôi rất thích bởi đó đúng là con người mình. Nhưng tôi lại rơi vào trạng thái là khi đi ra ngoài, mình rất vui vẻ nhưng về nhà thì lại không có sự chia sẻ”.

“Sau này, tôi nhận ra rằng mình không có năng lượng thì mình cũng không thể lan tỏa năng lượng cho ai cả. Do vậy, tôi chấp nhận mình không hoàn hảo và khiếm khuyết. Tôi cũng công khai với mọi người rằng nữ công gia chánh là những việc mình không hề thích và không thể làm tốt được. Khi mọi người rất hiểu và đồng cảm với việc đó thì mình được là chính mình”.

Xem thêm: odl.954569-gnoht-neyurt-cuht-ma-ueih-gnouht-uhc-ab-ned-na-uan-tehg-iag-oc-ut/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Từ cô gái ghét nấu ăn đến bà chủ thương hiệu ẩm thực truyền thống”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools