vĐồng tin tức tài chính 365

Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày?

2021-10-20 12:33

Theo hãng tin CNBC, Anh đã phải trải qua những ngày tháng tồi tệ khi đại dịch Covid-19 mới bùng nổ năm 2020 do sự chủ quan của các nhà lãnh đạo, trở thành một trong những nước có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong vì dịch nhiều nhất Châu Âu.

Thế rồi tưởng chừng như mọi chuyện đã qua đi khi Anh tiến hành chiến dịch tiêm chủng và dần mở cửa trở lại nền kinh tế, vậy nhưng số ca nhiễm mới tại đây lại bất ngờ tăng mạnh trở lại. Vào ngày 18/10/2021, nước này ghi nhận 49.156 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong 3 tháng qua và đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại Anh lên 8,4 triệu người.

Tổng số người thiệt mạng vì dịch tại Anh hiện đã lên đến 138.629 người, con số thuộc hàng cao nhất nhất thế giới.

Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày? - Ảnh 1.

Thế nhưng theo tờ The Guardian, người Anh lại chẳng quan tâm mấy đến chuyện này nếu không muốn nói là thờ ơ. Dù chưa hết bệnh nhưng mọi người vẫn đổ ra đường mà không đeo khẩu trang cũng như không chấp hành các quy định phòng chống dịch bắt buộc của chính phủ. Rất nhiều lễ hội, tiệc tùng đã được giới trẻ Anh tổ chức nhằm "trả thù" quãng thời gian giãn cách, khiến số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng đều.

Hãng tin CNBC thì nhận định việc Anh không tích cực tiêm chủng cho giới trẻ, điều mà cả Mỹ và Châu Âu đều đã làm từ rất sớm, khiến tình hình trở nên tồi tệ khi tầng lớp này là đối tượng tham gia tiệc tùng và ra ngoài tiếp xúc xã hội nhiều nhất sau giãn cách. Anh cũng đã cho phép học sinh, sinh viên đến trường trở lại từ tháng 9/2021, qua đó khiến số ca nhiễm mới tăng lên theo.

Hội chứng ếch luộc

"Chúng ta đang ở trong tình cảnh ngày càng có nhiều người chết vì dịch. Thế nhưng mọi chuyện lại bị coi thường. Người dân Anh đang ngày càng thờ ơ với chuyện đại dịch vẫn chưa hề biến mất. Tôi nghĩ mọi người đã quá chai sạn với sự chết chóc vì dịch Covid-19", giáo sư Linda Bauld của trường đại học University of Edinburgh lo lắng.

Hiện 1/5 số giường trong phòng cấp cứu đặc biệt có máy thở (ICU) tại Anh có người bệnh nhiễm Covid-19 trong khi khoảng 200.000 học sinh, sinh viên đã phải nghỉ học vì lây nhiễm. Số ca chết vì dịch tính trên mỗi 1 triệu người dân tại Anh cao gấp 3 lần so với Pháp, Đức hay Italy.

"Khi thông báo về số ca tử vong, chính phủ thường nói: ‘Rất tiếc, 3 người đã chết hôm nay’, thế rồi "Rất tiếc, 70 người đã chết hôm nay’. Tuy nhiên giờ đây họ chẳng buồn nói ‘Rất tiếc’ nữa. Rõ ràng, cảm xúc của người dân chỉ bị khuấy động bởi hình ảnh chứ không phải những con số", giáo sư Robert West của đại học University College London cảnh báo về sự thờ ơ của mọi người.

Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày? - Ảnh 2.

Số ca nhiễm mới trên mỗi 1 triệu người

Theo giáo sư Baul, việc chính phủ Anh giao kèo với người dân rằng nếu họ tiêm chủng thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường, một "thoả thuận tự do" (Freedom Day Narrative) ngầm hiểu trong xã hội đã khiến tình hình trở nên mất kiểm soát.

Giáo sư Baul nhấn mạnh rằng có rất nhiều người Anh coi dịch Covid-19 như những chủng cúm thường và cho rằng mọi người chỉ cần tiếp tục sống với chúng là được. Thế rồi những quốc gia đã tiêm chủng thành công, mở cửa nền kinh tế với tỷ lệ nhiễm bệnh thấp cũng khiến người dân chủ quan hơn.

Hệ quả là khi người Anh ngộ nhận dịch Covid-19 cũng chẳng khác cúm thường là bao thì họ không còn quan tâm đến số ca chết hay nhiễm bệnh nữa. Bất chấp số ca nhiễm mới tăng lên, các chuyên gia tâm lý học cho rằng xã hội Anh giờ đây không còn nhạy cảm với chuyện này so với thời kỳ đầu bùng dịch nữa.

"Con người vốn chỉ thực sự hành động khi có sự thay đổi về môi trường sống. Chúng ta sẽ thờ ơ khi mọi chuyện chẳng có gì mới", giáo sư West nhận định khi gợi nhớ về hội chứng ếch luộc.

Hội chứng ếch luộc (Boiling frog) là cụm từ chỉ về việc một con ếch sẽ từ từ chết khi bị luộc trong nồi khi ta tăng nhiệt độ một cách từ từ mà không đột ngột để nó không phản ứng nhảy ra khỏi nồi nước sôi mặc dù không hề có nắp đậy hoặc trở ngại.

Sự thờ ơ đã khiến nhiều bạn trẻ Anh tiệc tùng và giao tiếp xã hội nhưng không đeo khẩu trang hay tuân thủ an toàn phòng dịch, sau đó lây lan dịch bệnh cho người thân.

"Dịch bệnh lây lan mạnh ở những người trẻ tuổi và bắt đầu lan sang cả những người già hơn ở độ tuổi 35-55", giáo sư Spector của trường King’s College nhận định.

Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả các quan chức Anh cũng không thực sự đặt nặng vấn đề này. Tờ The Guardian cho biết khi được hỏi về tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao, Bộ trưởng y tế Anh Sajid Javid đã nói tỉnh bơ: "Nhìn chung tình hình khá ổn định tại thời điểm hiện tại. Con số nhiễm mới tăng giảm chút ít trong vài tuần qua".

Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày? - Ảnh 4.

Số ca nhiễm mới hiện nay bắt đầu đáng ngại hơn so với thời điểm bùng dịch 2020.

Giáo sư West của trường đại học London cho biết nếu tình hình này tiếp diễn thì sẽ đến lúc người Anh không thể chịu đựng nổi nữa với 1.000 ca chết vì dịch mỗi tuần. Dù các bệnh viện tại Anh chưa quá tải nhưng có đến 5,7 triệu trường hợp xin được vào viện tính đến cuối tháng 8/2021, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Bình thường mới

"Chúng ta không thể trở lại cuộc sống như trước đây được nữa", giáo sư Tim Cook của một trung tấm tư vấn y tế tại Anh nhấn mạnh khi hiện 20% số giường ICU và 10% giường bệnh thường vẫn luôn có người nhiễm bệnh nằm.

Mặc dù tranh cãi về chiến lược "Zero Covid" hay mở cửa kinh tế chấp nhận sống chung với dịch vẫn còn, nhưng việc ý thức người dân dần mất cảnh giác là điều nguy hiểm tại Anh.

Xin được nhắc là số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hàng năm có khoảng 290.000-650.000 người chết vì cúm thường mỗi năm. Nếu người Anh bắt đầu coi dịch Covid-19 như cúm thường và bắt đầu thờ ơ với số người chết ngày một tăng thì điều này vô cùng nguy hiểm.

"Quan điểm rằng mọi người nên chấp nhận cuộc sống ‘bình thường mới’ mà không đề phòng là rất nguy hiểm. Mọi người sẽ bắt đầu mất cảnh giác với số người chết vì dịch. Điều đáng nói là tâm lý này có thể lây lan theo số đông khi một người bị thuyết phục bỏ khẩu trang để hòa mình vào đám đông", giáo sư tâm lý học Stephen Reicher của trường đại học St Andrews cảnh báo.

Cái giá của tiêm chủng sớm

Theo CNBC, Anh là một trong những nước tiêm chủng sớm nhất thế giới với chiến dịch phủ sóng vaccine từ tháng 12/2020. Thế nhưng về lý thuyết, kháng thể sinh ra chỉ tồn tại hiệu quả trong vòng 6 tháng và chúng khó lòng chống lại những biến thể của dịch Covid-19 như Delta.

Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày? - Ảnh 5.

Người dân London chẳng thèm đeo khẩu trang sau giãn cách. Nguồn: CNBC (chụp tháng 9/2021)

"Anh hiện có tỷ lệ nhập viện vì dịch cao gấp 6 lần Châu Âu, còn tỷ lệ tử vong thì gấp 3 lần và một trong những nguyên nhân là mọi người không chịu tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch", bác sĩ Eric Topol của Viện nghiên cứu SRTI ngán ngẩm nhận định.

Tình hình này đã khiến chính phủ đề nghị những người đã tiêm mũi 2 trong vòng 6 tháng nên đi tiêm thêm mũi thứ 3. Số liệu chính thức cho thấy có khoảng 6,5 triệu người Anh đã tiêm mũi 2 trong vòng quá 6 tháng. Thế nhưng chẳng mấy ai quan tâm và giới trẻ Anh thì vẫn miệt mài tiệc tùng, vui chơi trả thù sau giãn cách.

"Người Anh có vẻ vẫn chưa tỉnh mộng trước thực tại số ca nhiễm mới ngày một cao, thế nhưng rõ ràng số người chết ngày một tăng và rất nhiều nước đã đưa Anh vào danh sách đỏ", giáo sư Tim Spector của trường đại học King’s College nhận định.

*Nguồn: The Guardian, CNBC

Huyền Băng

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.63634420102011202-yagn-iom-iom-meihn-ac-00005-nag-oc-ihk-o-oht-nav-hna-iougn-oas-iat/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tại sao người Anh vẫn thờ ơ khi có gần 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools