Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vào sáng nay (20/10, sau báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đánh giá cao nhiều điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021: Dự kiến 08/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 9 tháng tăng 1,82%, cả năm ước tăng dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra.
“Thu Ngân sách Nhà nước vượt dự toán, bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP), cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác…”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Đáng chú ý trong đó theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.
“Đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động và nguy cơ gia tăng nợ xấu”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Theo khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao.
Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, hài hòa giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp và người dân
Cũng liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp, Uỷ ban kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả việc áp dụng phương thức “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”; việc yêu cầu xét nghiệm nhiều lần, giá xét nghiệm cao... đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Với người lao động, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế đánh giá số lao động mất việc làm, thất nghiệp tăng cao, thu nhập giảm mạnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; số lượng lao động có việc làm phi chính thức gia tăng.
“Đề nghị báo cáo cụ thể, thực chất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia với số lượng lớn tại một số địa phương, khu công nghiệp; phương án giải quyết tình trạng lao động tự do rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn; chính sách thu hút lực lượng này quay trở lại nơi làm việc; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động trở về quê”, ông Thanh phát biểu.
Không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ
Trong những tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với giải pháp Chính phủ đề ra. Trong đó là tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do COVID-19.
Bên cạnh đó cần khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc; xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công….
Không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
“Không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới”, báo cáo nêu.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện (chỉ tiêu GDP tăng 6-6,5%); giải trình rõ ràng, thuyết phục hơn về tỷ lệ bội chi, cân đối xuất, nhập khẩu...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!