Mùa mua sắm đang đến gần, nhưng người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với tình huống tiền có nhưng khó mua hàng. Giá xăng, dầu tăng khiến giá hàng hóa tăng theo. Đặc biệt, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến hàng hóa khan hiếm.
Thiếu chip máy tính, nghẽn cảng, thiếu lái xe tải… là những căng thẳng thế giới đang trải qua, CNN liệt kê. Cơn ác mộng chuỗi cung ứng đang đẩy giá tiêu dùng tăng và làm chậm lại đà hồi phục kinh tế toàn cầu.
Nhật báo phố Wall bình: "Đứt gãy trở nên trầm trọng hơn là do sự không đồng đều về đại dịch, về cách chống dịch và sự hồi phục. Các nhà bán lẻ ở phương Tây, nơi hầu hết đã qua giai đoạn đóng cửa, đang háo hức mua hàng từ thành phẩm tới nguyên liệu…Trong khi nhiều nước ở châu Á đang trải qua giai đoạn đóng cửa hoặc hạn chế, khiến không thể đáp ứng đơn hàng. Cũng do dịch, công nhân bỏ việc nên các nhà sản xuất gặp khó.
Đơn hàng thiếu hay đến muộn khiến các kệ hàng ở Mỹ cũng kém đa dạng hơn vào mùa mua sắm năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Đơn hàng thiếu hay đến muộn khiến các kệ hàng ở Mỹ cũng kém đa dạng hơn vào mùa mua sắm năm nay. Tuy nhiên, mức độ chi tiền của người Mỹ được dự báo là vẫn tăng. Nhờ sự thay đổi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
CNBC cho hay, người Mỹ đang háo hức chờ để tiêu tiền cho quần áo mới, hàng điện tử và trang sức. Doanh thu từ bán lẻ trong 2 tháng cuối năm dự kiến sẽ tăng 7% so với năm 2020, đạt 800 tỷ USD. Tuy nhiên, họ có thể sẽ không có được hàng hóa đúng dịp, do khan hàng, do chuyển chậm… và cũng sẽ có ít mặt hàng giảm giá hơn.
Chuyên trang Modern Retail cho biết, nhiều hãng đã không chấp nhận ngồi chờ đơn hàng đến chậm. Đi đầu là Costco, đã tự thuê 3 tàu chở container riêng trong thời gian 1 năm để vận chuyển hàng qua Thái Bình Dương. Gần đây Ikea, Home Depot, Walmart cũng làm theo. Thuê riêng như vậy đắt hơn nhiều so với thuê chung, nhưng các hãng muốn chủ động về thời gian với các đơn hàng của mình.
Về phía mình, nhiều người tiêu dùng cũng không muốn bị phụ thuộc, không có hàng hóa, họ tính mua quà tặng kiểu khác.
Theo Bloomberg, chuỗi cung ứng kém, đến Apple còn thiếu sản phẩm, việc trao nhau thẻ quà tặng trở nên an toàn và được yêu thích. Nếu đưa ai đó tờ 20 USD sẽ hơi thô lỗ, nhưng tặng 1 thẻ mua hàng với vài lời chúc lịch sự hơn nhiều. Khi được tặng, người nhận thường tiêu thêm 40% so với giá trị thẻ được tặng nên các hãng bán lẻ cũng rất khuyến khích.
VTV.vn - Mỹ cảnh báo những khó khăn trong chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến năm 2022, ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ trong mùa mua sắm vào dịp nghỉ lễ cuối năm sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!