Nâng cấp tầm đặc sản quê
Từ cây quế vốn có nhiều ở rừng núi Trà Bồng, Trần Thị Xuân Quỳnh - sinh năm 1984, quê ở tỉnh Quảng Ngãi - đã làm ra bột quế, trà quế, tinh dầu quế, nhang quế mang thương hiệu Quế Rừng Xanh.
Với mong muốn tạo ra các sản phẩm từ quế tốt cho sức khỏe và tiện dùng để ngày càng nhiều người biết đến đặc sản quê mình, cô làm ra trà túi lọc quế kết hợp các loại thảo dược như bách hợp, cỏ ngọt, trà đen để giúp lưu thông máu, ổn định đường huyết, ngủ ngon. Sản phẩm này giúp Quỳnh đoạt giải nhì trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức. Hiện các sản phẩm nhãn hiệu Quế Rừng Xanh đã có mặt ở nhiều kênh bán hàng trực tiếp tại TPHCM, Quảng Ngãi, trên các sàn thương mại điện tử.
“Với sản phẩm có dược tính, tôi phải tham vấn các chuyên gia để cân chỉnh liều lượng nhằm phát huy được hết công dụng của chúng như tăng sức đề kháng, phòng bệnh. Tôi cũng phải chọn loại túi lọc làm từ bắp để an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường” - Xuân Quỳnh chia sẻ.
Cũng chọn những sản phẩm đặc trưng ở nơi mình sinh ra và lớn lên, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - sinh năm 1983, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát - đã biến những món ăn dân dã của quê hương Đồng Tháp thành các món “fast food” ngon, lạ miệng như bánh chuối phồng kết hợp với hạt đậu phộng, hạt điều, hạt mè hay các loại trái cây (sầu riêng, khóm).
Từ trái cây tươi có sẵn ở quê mình, chị biến tấu thành bánh khóm (thơm) cuộn, bánh mãng cầu cuộn, bánh me cuộn, sen kẹp thơm theo công thức riêng do bà ngoại và mẹ truyền cho. Sau hơn 5 năm, các sản phẩm này không chỉ phủ khắp các kênh bán hàng trực tiếp và online trên cả nước mà còn được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Campuchia. Những sản phẩm này còn được người nước ngoài chuộng mua làm quà tặng khi rời Việt Nam và họ có thể mua ở kệ hàng trong các sân bay. Ngoài các sản phẩm trên, chị Bích Thủy còn hợp tác với một số xưởng phân phối thêm các sản phẩm khô từ gạo, như bánh canh ống chùm ngây, bánh canh ống gạo lứt, bánh canh ống khoai lang, bún gạo lứt, nui, phở, mì quảng. Bên cạnh đó, chị còn xuất khẩu ống hút làm bằng bột gạo, bằng cỏ sang Đức.
Cũng ở Đồng Tháp, nhiều thứ “cây nhà lá vườn” đã được bà Nguyễn Thị Lài - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hương Sen Việt - nâng tầm. Lá sen, hoa sen, lá tía tô, trái khổ qua rừng, lá sa kê… được bà sấy lạnh để giữ được màu, tinh chất và hương vị, tạo ra những loại trà thơm ngon. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh, các sản phẩm trà của Hương Sen Việt vẫn tiêu thụ khá tốt dù giá bán cao hơn các loại trà khác.
Trần Thị Xuân Quỳnh (phải) giới thiệu sản phẩm Quế Rừng Xanh với khách hàng |
Bà Lài còn hợp tác với các cơ sở sản xuất và phân phối các sản phẩm độc đáo như bánh canh nước dừa, nui ngũ sắc, bánh ít trần nhân mặn ngũ sắc được phối màu từ các loại rau củ, gừng sấy dẻo sữa ong chúa, bún sấy dẻo, cùi bưởi sấy, tinh dầu các loại. Bà chia sẻ: “Ngay khi thị trường có dấu hiệu khan hiếm các mặt hàng bún, phở khô, tôi cùng các đối tác đẩy mạnh sản xuất bánh canh ống làm từ tinh bột gạo, gạo lứt, khoai lang tím, chùm ngây và nui ngũ sắc, bún sấy dẻo để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Chúng tôi cũng bán thêm các sản phẩm dùng để nấu chung như cua xay nhuyễn, rau má thủy canh và được khách hàng mua nhiều. Chỉ cần linh hoạt, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và đáp ứng kịp thời nhu cầu thì doanh nghiệp vẫn sống được ngay cả khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh”.
Chuẩn hóa để đưa sản phẩm đi xa
Sau một thời gian kinh doanh, Trần Thị Xuân Quỳnh nhận ra rằng, muốn sản phẩm của mình đi xa hơn, cần phải thay đổi. Cô đang thực hiện kế hoạch chuẩn hóa vùng nguyên liệu quế ở quê hương Quảng Ngãi để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, từ đó có thể xuất khẩu sản phẩm tới nhiều thị trường khó tính. Mặc dù vậy, nguyên tắc của Quỳnh là “đi từng bước, không phát triển ồ ạt, cải tiến sản phẩm dần từ đánh giá, cảm nhận của người tiêu dùng”.
Trong năm tới, Quỳnh sẽ xuất khẩu các sản phẩm Quế Rừng Xanh ra nước ngoài. Cô kỳ vọng, ngoài trà quế, bột quế, còn có nhang quế, xà bông quế, nước lau sàn quế. “Tôi xác định mình đi chậm nhưng phải chắc nên phải hoàn thành chứng nhận hữu cơ cho vùng nguyên liệu quế và đưa thêm công nghệ vào sản xuất, mở rộng xưởng để đảm bảo sản lượng, sau đó mới xuất khẩu. Hiện đã có một số đơn vị đặt vấn đề hợp tác” - Xuân Quỳnh thông tin.
Ngay khi khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Bích Thủy cũng xác định không chỉ hướng đến khách hàng trong nước mà còn hướng đến khách nước ngoài nên tất cả bao bì sản phẩm, tài liệu, website giới thiệu sản phẩm đều được ghi thông tin song ngữ Việt và Anh. Chị còn đưa sản phẩm giới thiệu, bán sỉ trên kênh thương mại điện tử Alibaba và sắp tới là Amazon để nhiều người trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, cái khó khi tiếp cận thị trường quốc tế là cơ sở phải đảm bảo được sản lượng. Vì vậy, ngoài chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, chị ấp ủ kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất để vừa tăng sản lượng, vừa tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Đối với thực phẩm - theo chị Thủy - ngoài ngon, còn phải tốt cho sức khỏe. Do đó, chị chọn nguyên liệu là trái cây tươi, ít đường và làm 60 - 70% các khâu bằng thủ công. “Bánh nướng phải chín đều, thẳng mới giòn, không bị chai, khét; nhân xào phải đạt độ vừa, không cứng quá (khó ăn) hay mềm quá (nhanh hư); trái cây phải chín vừa để đảm bảo độ ngon và màu sắc của nhân. Mong muốn tăng giá trị, quảng bá đặc sản quê hương, tôi mày mò học hỏi làm bao bì, thương hiệu cho sản phẩm và ngày càng được nhiều người biết đến. Dù vậy, tôi vẫn luôn tiếp thu góp ý của khách hàng để điều chỉnh vị phù hợp với thị hiếu từng vùng miền, quốc gia. Chẳng hạn, khách miền Nam không thích mè, khách miền Bắc lại thích mè; người ở một số nước châu Âu thích sầu riêng, hạt điều, không thích vị gừng” - chị Bích Thủy chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Lài, làm một mình sẽ chậm hơn nhiều người cùng hợp sức, vì vậy bà đã hợp tác với nhiều người cùng tâm huyết để cho ra các sản phẩm đáp ứng nhanh nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, sản phẩm của công ty bà được tiêu thụ nhiều hơn.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.7278441a-euq-nas-cad-mat-gnan-nahn-hnaod-un-gnuhn/nv.moc.enilnounuhp.www