Ngày 20-10, thông tin từ Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vượt qua bốn dự án khác ở vòng chung kết vừa diễn ra, dự án “UEH Zero Waste Campus” của trường đã xuất sắc đạt giải quán quân của cuộc thi quốc tế “Thử thách thành phố không rác thải”.
Cuộc thi do tổ chức phi chính phủ Waste Aid cùng nhiều nhà tài trợ quốc tế tổ chức. Dự án xuất sắc nhất đã nhận được giải thưởng trị giá 10.000 euro, cùng sự cố vấn chuyên môn từ hội đồng chuyên gia về môi trường và kinh tế tuần hoàn thế giới.
Đội thi của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang trình bày dự án qua trực tuyến tại vòng chung kết.
Được biết, cuộc thi diễn ra từ tháng 4 đến nay, ban đầu nhận được 100 bài thi từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, 12 đội vào bán kết và 5 đội được tranh tài vòng chung kết với hội đồng giám khảo đều là những chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài.
Cuộc thi toàn cầu này là một phần của Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn từ tổ chức WasteAid, được tài trợ bởi Huhtamaki, đang được tổ chức tại ba thành phố: TP.HCM ở Việt Nam, Guwahati ở Ấn Độ và Johannesburg ở Nam Phi.
Với dự án “đại học không rác thải” của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dự án nhằm đề ra giải pháp đổi mới sáng tạo ưu tiên áp dụng mô hình 3R (Reduce - Reuse - Recycle) trong phân loại và xử lý rác thải, cũng như ứng dụng công nghệ trong phương pháp giáo dục và truyền thông.
Dự án lấy người sử dụng làm trung tâm để thấy rõ hơn lợi ích của dự án, thúc đẩy đến nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, thay đổi tư duy và hành vi của thế hệ trẻ.
Dự án đang được thiết kế, triển khai thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên trong năm 2021 với thông điệp “Rethink and Be Green”. Giai đoạn này kỳ vọng giảm 40% lượng rác nói chung, giảm 30% rác thải nhựa sử dụng một lần và ít nhất 70% sinh viên, viên chức nhà trường hiểu được chính xác thế nào là không rác.
Mục tiêu cuối cùng của dự án là thể hiện tác động rõ rệt trong việc giảm rác thải và hiệu quả tài nguyên tại TP.HCM trong năm 2022. Và định hướng đến năm 2025, trường sẽ trở thành đại học không rác thải, một thành phần quan trọng của đại học bền vững.
Từng giai đoạn của dự án đang và sẽ tiếp tục triển khai tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, cho biết kết quả này sẽ là một bước tiến quan trọng giúp dự án lan tỏa và đến gần hơn với cộng đồng.
“Chúng tôi hi vọng sẽ tìm ra một công thức đại học không rác thải tốt nhất, từ đó chia sẻ đến các đại học khác, các tổ chức khác để cùng thực thi, cùng nhau đóng góp cho một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn” – bà nói.