Hơn 100.000 nữ nhân viên y tế tuyến đầu chịu tác động lớn về sức khỏe tâm thần khi chống dịch lâu dài - Ảnh: TỬ VĂN
Cụ thể, bộ này đề xuất nghị quyết hỗ trợ phụ nữ, trẻ mồ côi khó khăn do COVID-19. Kinh phí dự kiến hơn 127 tỉ đồng để hỗ trợ 4 nhóm đối tượng là lao động nữ, nữ nhân viên y tế tuyến đầu, trẻ mồ côi và mẹ Việt Nam anh hùng.
Dự thảo nêu rõ, Bộ Lao động, thương binh và xã hội hỗ trợ lao động nữ là F0, đang mang thai hoặc sinh con tính từ ngày 23-1 đến 31-12 được hưởng 2 triệu đồng/người. Dự kiến, khoảng 2.000 người sẽ thụ hưởng với tổng kinh phí 4 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, nữ nhân viên y tế tuyến đầu tại nơi thực hiện chỉ thị 16, cơ sở điều trị, tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 1-5 đến 31-12 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Người nhận hỗ trợ phải có chức danh nghề nghiệp chuyên môn y tế, sinh viên, học sinh cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, gồm lực lượng vũ trang hoặc y tế trung ương, địa phương, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách. Khoảng 100.000 người sẽ được hưởng với kinh phí dự kiến khoảng 100 tỉ đồng từ ngân sách trung ương.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng đề xuất hỗ trợ 4.615 bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi mẹ và trích từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa trung ương.
Bên cạnh đó, trẻ mồ côi do đại dịch tính từ ngày 23-1 đến 31-12 cũng được đề xuất hỗ trợ. Dự kiến có 80 em mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 20 triệu đồng/em và 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhận 5 triệu đồng/em. Kinh phí hơn 14 tỉ đồng trích từ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tặng quà cho con công nhân lao động mồ côi do COVID-19 - Ảnh: ĐẶNG LỢI
Theo thống kê sơ bộ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, có hơn 2.600 trẻ mồ côi. Phần lớn các em đến từ các địa phương phía Nam như TP.HCM (1.584 em), Bình Dương (233 em), Long An (85 em), Đồng Tháp (72 em).
Cơ quan soạn thảo nhận định các em dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do cách ly xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc, cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài chính sách chung cho trẻ em mồ côi đã có.
Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho rằng đề xuất này rất cần thiết bởi đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm lao động nữ, khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Nhiều phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng do giãn cách kéo dài.
Thống kê tới đầu tháng 10 tới nay, dịch COVID-19 đã khiến tỉ lệ lao động nữ tự làm hoặc lao động gia đình tăng gấp đôi, khoảng 19,6% so với 8,6% ở nam giới. Thu nhập bình quân của phụ nữ khoảng 4,8 triệu đồng và mức này thấp hơn so với nam giới (khoảng 6,8 triệu đồng).
Bộ Lao động, thương binh và xã hội nhấn mạnh: "Sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, học sinh quay lại trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Song phụ nữ thường làm thêm nhiều giờ hơn nam giới. Điều này khiến gánh nặng kép của họ trở nên nặng thêm".
Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến bộ ngành liên quan để hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Gói an sinh theo nghị quyết 68, nghị quyết 126 (gói 26.000 tỉ đồng) bổ sung nhiều chính sách cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em phải điều trị, cách ly vì dịch. Tính tới ngày 15-10, các tỉnh thành cả nước đã hỗ trợ cho trên 5.600 lao động nữ mang thai, hơn 127.000 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động và gần 16.000 trẻ em là F0, F1.
TTO - Chính phủ xác định đối tượng ưu tiên, hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 là phụ nữ mang thai hoặc bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi cha mẹ bởi COVID-19.