Ồ ạt rao bán tài sản
Ngân hàng (NH) Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) rao bán nhiều ô tô với giá chỉ 100-200 triệu đồng/xe. NH TMCP Quốc Tế (VIB) cũng rao bán hàng loạt ô tô với giá khá rẻ: hai chiếc Chevrolet Spark đời 2018 và 2017 cùng mức giá 155 triệu đồng. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng rao bán năm chiếc Kia Morning với giá khởi điểm 111 triệu đồng/chiếc. Để thu hút khách mua, các NH này còn cho vay vốn để mua xe. VPBank hỗ trợ vay 85% giá trị tài sản, ưu đãi 0% lãi suất trong ba tháng.
Ngoài ô tô, các NH cũng phát mãi khá nhiều nhà, đất với mức giá giảm 20 - 30% so với năm 2020. Sacombank lần thứ tám rao bán 19 căn hộ chung cư Xi Grand Court trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10, diện tích mỗi căn từ 47,9 - 109,3m2 với giá khởi điểm từ 3-9,1 tỷ đồng/căn, giảm từ 500-700 triệu đồng/căn. Sacombank cũng rao bán một căn hộ chung cư Hoàng Kim Thế Gia ở Q.Bình Tân, diện tích 81,4m2 với giá 2,4 tỷ đồng.
Tháng 9/2021, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) rao bán 264 khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ, trong đó có khoản trị giá chỉ 483.000 đồng. Khách có thể mua riêng lẻ từng khoản hoặc tất cả các khoản nợ. Đây là lần thứ ba, VietinBank rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng và là NH đầu tiên ở Việt Nam rao bán các khoản nợ. Việc rao bán các khoản nợ xuất hiện ngày càng nhiều hơn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Có NH rao bán lần thứ 42, giảm giá sâu nhưng vẫn chưa có người mua.
Giám đốc trung tâm xử lý nợ của một NH TMCP cho hay, biện pháp giãn cách xã hội khiến quá trình phát mại tài sản để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn do các bên không thể đi lại để bàn giao tài sản, các cơ quan nhà nước gần như tạm dừng các hoạt động công chứng, đấu giá, thừa phát lại… Với các tài sản được xử lý theo con đường tố tụng, dù đã được kê biên, phát mại, đã có khách hàng mua nợ và trả tiền nhưng cơ quan thi hành án không thể giao tài sản trong thời kỳ giãn cách xã hội nên ngân hàng cũng không thể thu hồi nợ.
Do dịch bệnh và giãn cách xã hội, việc thanh lý tài sản để thu hồi nợ trở nên khó khăn hơn. (Trong ảnh: Khách mua ô tô thanh lý tại VPBank) |
Việc mua bán xe dễ hơn nhà, đất, thủ tục nhanh gọn nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, sản phẩm này cũng khó thanh lý, nhất là xe tải, xe khách. “Hầu hết các NH tổ chức đấu giá trực tuyến để tìm kiếm khách hàng nhưng không mấy hiệu quả do người mua tài sản vẫn muốn đến tận nơi để thẩm định, xem xét hiện trạng tài sản” - vị giám đốc trung tâm xử lý nợ cho hay.
Nợ xấu sẽ tiếp tục tăng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) - thừa nhận NH đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nhiều cán bộ đi thu hồi nợ ở các tỉnh đều quay về “tay không” và chỉ có thể nhắc nhở việc trả nợ qua điện thoại. Ông Tùng cho rằng, do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhiều người mất thu nhập, không có khả năng trả nợ nên NH cũng thông cảm và không làm khó họ. Nhiều khách có ý thức trả nợ tốt nhưng cũng có trường hợp cố tình chây ì. “Trong thời gian tới, các NH sẽ chịu áp lực rất lớn về nợ xấu và thu hồi nợ” - ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.
Đại diện Công ty Tài chính FE Credit cũng cho biết, việc thu hồi nợ của công ty đang gặp nhiều khó khăn. Trong dịch bệnh, nhiều khách hàng chuyển chỗ trọ hoặc về quê nên nhân viên thu hồi nợ khó kết nối với họ. Nhân viên xử lý nợ tích cực phổ biến các chương trình miễn giảm lãi, phí nhưng người vay cố tình trốn nợ, né tránh các cuộc gọi của nhân viên.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Giám đốc Công ty Luật ANVI - việc phát mại tài sản thế chấp gặp khó khăn không chỉ do tác động của đại dịch COVID-19 mà còn do các quy định bất hợp lý. Phần lớn NH cho vay thế chấp, muốn phát mại thì phải thu giữ được tài sản thế chấp và việc thu giữ chỉ thực hiện được khi người đang giữ tài sản đồng ý giao.
Một trong những điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản là phải kiểm tra lại hợp đồng, nếu hợp đồng thế chấp có điều khoản cho phép NH thu giữ tài sản đảm bảo thì mới được thu giữ. Trong khi đó, những khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực thì mới được thu giữ tài sản. Đến khi phát mại tài sản, lại vướng tiếp do nhiều trường hợp nhận thế chấp nhà đất để vay nhưng nhà lại chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Với những tài sản không dựa theo bản án, quyết định của tòa, người mua còn e ngại do đã nhiều trường hợp mua xong nhưng nhiều năm sau vẫn chưa nhận được tài sản bởi tranh chấp chưa được giải quyết.
Tài sản khó thanh lý còn do giá bán không rẻ nhiều so với thị trường. Chẳng hạn, có NH rao bán ô tô BMW 2018 sản xuất năm 2016, đã đi 67.000km với giá 800 triệu đồng trong khi giá thị trường đang là 820 triệu đồng. Thực tế, các NH không tự ra giá mà phải thông qua các đơn vị thẩm định giá (thường theo sát giá trị khoản nợ) và các NH phải tuân thủ. Nếu định giá tài sản cao, phát mại thấp để dễ bán nhưng không thu hồi đủ nợ gốc thì NH có thể bị xử lý hình sự trong trường hợp thu hồi nợ gốc thiếu từ 100 triệu đồng trở lên.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: “Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu của NH nhưng lại chỉ tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi nghị quyết có hiệu lực (từ ngày 15/8/2017) và nghị quyết này chỉ có hiệu lực đến tháng 8/2022. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, áp lực nợ xấu sẽ rất lớn. Nên kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42; tốt nhất, nên nâng nghị quyết này thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống tòa án giải quyết một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của NH. Đồng thời, nên cho phép dịch vụ đòi nợ hoạt động để giảm nguy cơ bội ước cũng như thái độ chây ì, trì hoãn trong việc trả nợ. Chỉ nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê bất hợp pháp và lợi dụng việc đòi nợ để phạm pháp”.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.6658441a-on-ioh-uht-tav-tahc-gnah-nagn/nv.moc.enilnounuhp.www