Chiều 20-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Một trong những nội dung đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng một số thẩm quyền cho công an xã.
Được kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm
Theo tờ trình của VKSND Tối cao, với phương châm “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, hiện lực lượng công an xã (đã được tổ chức chính quy về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm…) là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình trước Quốc hội.
Ảnh: HOÀNG HẢI
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là với những vụ việc cần thiết phải xử lý ngay tại địa bàn cơ sở.
Xuất phát từ những lý do trên, cơ quan trình dự án luật đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn; đồn công an) trong BLTTHS. VKSND Tối cao đánh giá điều này là cần thiết để tăng cường vai trò của công an xã, kịp thời giảm tải khối lượng công việc hiện đang rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện; giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách trong hoạt động điều tra hình sự do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ địa bàn cấp cơ sở.
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, VKSND Tối cao cho rằng nếu vẫn giữ nguyên quy định về trách nhiệm của công an xã như hiện nay sẽ không còn phù hợp.
Theo VKSND Tối cao, có thời điểm số lượng tố giác, tin báo về tội phạm do công an xã tiếp nhận nhiều. Nếu sau khi tiếp nhận, ghi lời khai ban đầu và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền thì có thể dẫn đến việc phân loại chưa thực sự chính xác hoặc không kịp thời phân loại, giải quyết ngay từ cơ sở những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay. Như vậy, không giảm tải công việc cho cơ quan điều tra công an cấp huyện và không phát huy được vai trò công an xã chính quy…
Đặc biệt, đối với các xã địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ quan điều tra sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh vì các tố giác, tin báo về tội phạm chưa được kiểm tra, xác minh sơ bộ, nhiều dấu vết tội phạm có thể không còn.
Từ những lý do trên, VKSND Tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS theo hướng quy định: “Công an xã, phường, thị trấn; đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới, nhất là kinh tế thị trường, có quá nhiều phức tạp, không những ở TP mà cả ở nông thôn. Vì vậy, quy định xử lý tin báo, tố giác tội phạm trở thành nhiệm vụ chính trị của công an xã là rất cần thiết. “Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn cho người dân” - ông Phúc nói và đề nghị Bộ Công an tiến hành tổng kết, đánh giá lại hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh những tồn tại trong hoạt động của công an xã hiện nay. |
Ý kiến khác nhau về thời điểm bổ sung
Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ủy ban này tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong tờ trình của VKSND Tối cao.
Theo cơ quan thẩm tra, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay, việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Tuy nhiên, về thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định này, Ủy ban Tư pháp có hai loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn do tình hình diễn biễn phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Việc này giúp phát huy nguồn lực của công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, đồng thời giúp giảm tải cho cơ quan điều tra công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ xuống cấp xã.
Ý kiến khác lại đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 Điều 146 trong lần sửa đổi này. Ý kiến này cho rằng việc bổ sung, giao thêm trách nhiệm cho công an xã trong BLTTHS cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi.
“Tôi ủng hộ chủ trương, quan điểm này” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói. Tuy nhiên, ông cũng lường trước khi đưa ra chủ trương này có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nhiều người phản đối. “Tỉ lệ xử lý tố giác, tin báo tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất của VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng công an xã hiện đã được tổ chức chính quy. Nếu có vụ án xảy ra ngay trước mắt, công an xã lại không được giao nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ ban đầu… thì có thể bỏ qua giai đoạn xác minh ban đầu, trong khi thời gian này rất quý giá trong hoạt động điều tra.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết theo quy định, trách nhiệm xử lý tố giác, tin báo tội phạm thuộc công an phường, thị trấn; đồn công an, không thuộc trách nhiệm của công an xã.
Trong khi những năm gần đây, Bộ Công an đã chuyển công an chính quy làm công an xã khiến lực lượng này đã có “thay đổi căn bản về chất”. Tuy nhiên, tính pháp lý trên thực tế lại không có, vì vậy cần thiết phải bổ sung để lực lượng công an xã được “chính danh”.
Ông Trí cho rằng tất cả diễn biến phức tạp về tội phạm ở cơ sở chủ yếu ở cấp xã, làm tốt ngay từ đầu sẽ giảm được áp lực giải quyết ở cả cấp huyện và cấp tỉnh.
Đề xuất bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng Về đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra và tạm đình chỉ vụ án “khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra”, Ủy ban Tư pháp có hai quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến tán thành cho rằng xuất phát từ những khó khăn của nhiệm vụ điều tra, BLTTHS quy định cho giai đoạn này được áp dụng nhiều biện pháp tố tụng nhất (16 biện pháp). Trong đó, nhiều biện pháp phải tiến hành trực tiếp tại thực địa (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, nơi làm việc...). Nếu vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành đầy đủ việc điều tra sẽ không thể kết luận điều tra. Vì vậy, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là cần thiết. Việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương trong một thời gian dài dẫn tới VKS không thể tiến hành các hoạt động cần thiết để củng cố tài liệu, chứng cứ làm căn cứ quyết định việc truy tố… Do đó, cần thiết phải bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố vì “lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng việc bổ sung như trên sẽ dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến yêu cầu xử lý kịp thời tội phạm. |