Sáng 20-10, tại hội nghị sơ kết chương trình kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, 8 NH và 64 DN đã ký kết gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỉ đồng cho quý IV/2021.
Cho vay hàng trăm ngàn tỉ đồng
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Để thực hiện tốt Chỉ thị 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, NHNN Chi nhánh TP HCM đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN theo chủ trương, định hướng của NHNN và UBND TP HCM.
8 ngân hàng và 64 doanh nghiệp đã ký kết gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỉ đồng cho quý cuối năm nay - Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Bún Nguyễn Bính .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai hỗ trợ cho 406.410 khách hàng với tổng dư nợ 470.195 tỉ đồng theo Thông tư 01, Thông tư 05, Thông tư 14 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn với số tiền 127.193 tỉ đồng, miễn giảm lãi suất tương đương 7.251 tỉ đồng, cho vay mới 334.000 tỉ đồng. Riêng với chương trình kết nối NH - DN, năm nay có 11 NH trên địa bàn đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ DN với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỉ đồng, lãi suất không quá 4,5%/năm với vay ngắn hạn và quanh mức 9%/năm với vay trung, dài hạn. Ngoài ra, còn có các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay có, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ. Các sở, ban, ngành của thành phố cùng các quận, huyện, TP Thủ Đức đã phối hợp với ngành NH kết nối, giải ngân vốn cho 21.637 khách hàng với tổng cộng 241.385 tỉ đồng.
"Sau thời gian giãn cách, hầu hết các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn. Từ nay đến cuối năm, NHNN Chi nhánh TP HCM tiếp tục triển khai hỗ trợ cho DN theo Thông tư 01, 05 và 14, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung vốn vào một số ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch giải ngân theo chương trình kết nối NH-DN với gói tín dụng hỗ trợ DN khoảng 70.000 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm" - ông Nguyễn Hoàng Minh thông tin.
Cần chính sách ưu đãi hơn cho DN TP HCM
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nhìn nhận ngành NH thực sự trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của DN. Thời gian qua, ngành NH đã triển khai một số chính sách tín dụng hỗ trợ DN duy trì, ổn định và phục hồi phát triển, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Cụ thể, cơ cấu lại nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm gồm xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp và nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao; chương trình kích cầu đầu tư với lãi suất ưu tiên. Bên cạnh đó, chương trình Kết nối NH - DN được UBND thành phố tổ chức đã tạo thêm kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả.
"Trong thời gian tới, tôi đề nghị NHNN Chi nhánh TP HCM phối hợp Sở Công Thương thành phố, Hiệp hội DN thành phố, các NH thương mại có trụ sở, chi nhánh tại thành phố nghiên cứu, đề xuất NHNN có chính sách giảm lãi suất, nhất là với một số ngành nghề kinh doanh bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, lưu trú. Đặc biệt, có chính sách ưu đãi hơn đối với các DN trên địa bàn thành phố" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hội nghị này là một trong những nội dung thuộc chuỗi hoạt động do thành phố chỉ đạo ngành công thương và NH thực hiện trong 3 tháng cuối năm nhằm hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh. "Nguồn vốn là mạch máu của DN. Chúng ta càng thực hiện nhanh, càng tiếp cận đầy đủ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHNN thì DN càng bớt khó khăn. Các DN hãy đề đạt những kiến nghị, nguyện vọng của mình thông qua các hiệp hội và ở góc độ ngành công thương, chúng tôi sẽ lắng nghe, giải quyết" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố cũng cho biết theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố, trong quý IV, các quận, huyện và TP Thủ Đức phải triển khai ít nhất 1 đợt ký kết ở địa phương với mục tiêu giải ngân 70.000 tỉ đồng đã đăng ký. Khoản tín dụng này có thể gia tăng nếu DN đáp ứng các yêu cầu từ phía NH.
Mong mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi
Công ty CP Nhà máy Trang thiết bị y tế USM Healthcare là một trong những DN phát triển tốt nhờ nhận được nguồn vốn "mồi" từ chương trình kết nối NH - DN trong nhiều năm nay. Bà Võ Xuân Bội Lâm, tổng giám đốc công ty, cho biết năm 2020, DN được NH cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn. Đến đợt dịch bùng phát năm 2021, DN được NH giảm 10% lãi suất trên toàn bộ dư nợ đang vay từ tháng 7 đến hết tháng 12-2021 và cho vay bổ sung 120 tỉ đồng hạn mức vốn lưu động. "Sự hỗ trợ này đã giúp công ty trụ vững trong suốt thời gian giãn cách xã hội" - bà Bội Lâm bày tỏ.
Theo lãnh đạo DN này, giai đoạn đầu sau khi giãn cách là thời gian khó khăn nhất của các DN. Vì vậy, DN rất mong các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời gian giảm lãi suất, cho vay thêm... được áp dụng với nhiều đối tượng hơn để thành phố nhanh chóng lấy lại sức mạnh kinh tế, cùng phát triển với cả nước.
Giám sát chặt việc miễn, giảm lãi vay
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết từ nay đến cuối năm, ngành NH sẽ tổ chức nhiều hoạt động để các DN, các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn. Trong đó, chương trình kết nối NH - DN và chương trình kết nối DN tạo điều kiện cho người dân, tổ chức tiếp cận nguồn vốn dễ dàng nhất, thuận lợi nhất và lãi suất hợp lý nhất. Bên cạnh đó, ngành NH cũng phối hợp các tổ chức liên quan hỗ trợ đối tượng công nhân, người lao động nghèo, người có thu nhập thấp theo gói an sinh xã hội của thành phố thông qua cho vay tiêu dùng.
Đặc biệt, NHNN Chi nhánh TP HCM sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện miễn, giảm lãi suất cho vay theo sự đồng thuận của 16 tổ chức tín dụng với Hiệp hội NH Việt Nam. Nếu tổ chức tín dụng nào không thực hiện giảm lãi suất cho vay, NHNN sẽ có chế tài, ví dụ không cho tăng trưởng tín dụng, không cho mở rộng mạng lưới…
Xem thêm: mth.56360859102011202-peihgn-hnaod-ohc-er-nov-pac-hnam-yad/et-hnik/nv.moc.dln