Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa VX - Ảnh: Quochoi.vn
Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát một bước, nhưng những vấn đề do dịch bệnh gây ra lại bắt đầu gây sức ép to lớn lên toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Mô hình phòng chống dịch mới đã được Chính phủ đề ra. Đây là mô hình vừa bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch, vừa khôi phục đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Lý do là vì mô hình phòng chống dịch cũ đã bị thay thế, nhưng mô hình tư duy cũ vẫn chưa thể được khắc phục hoàn toàn.
Tư duy cũ - "zero COVID" - vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến cách ứng xử của nhiều cấp, nhiều ngành. Chính vì vậy, các giải pháp "zero COVID" vẫn được nhiều nơi áp dụng trong quá trình giám sát giao thông hoặc khi một vài ca F0 lại được phát hiện. Cách hành xử như vậy không chỉ làm suy kiệt kinh phí phòng chống dịch mà còn gây khó cho quá trình giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và phục hồi kinh tế.
Ngược lại, cũng có một vài nơi, các cấp, các ngành lại đang chuyển từ "tả" sang "hữu". Các biện pháp phòng chống dịch nhanh chóng bị coi nhẹ, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại là rất cao.
Để tái định hướng một cách rõ ràng, mạch lạc mô hình phòng chống dịch, các phiên thảo luận, tranh luận của Quốc hội sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng.
An sinh xã hội là nội dung quan trọng cần được kỳ họp đặc biệt quan tâm. Do hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải rời thị trường hoặc phải cắt giảm sản xuất kinh doanh, hàng triệu người đã bị thất nghiệp. Số người thất nghiệp còn tăng rất cao do số lượng những người làm nghề tự do bị mất việc làm cũng vô cùng lớn.
Quốc hội sẽ phải có góc nhìn thấu đáo hơn về vấn đề an sinh xã hội, nhờ đó có thể xem xét, điều chỉnh các chính sách và các giải pháp được Chính phủ đề ra một cách sát thực tế hơn.
Kinh tế nhiều nước đang phục hồi là cơ hội lớn để VIệt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó phục hồi kinh tế - Ảnh: Quochoi.vn
Để phục hồi kinh tế, động lực quan trọng là cầu trên thị trường thế giới. Do kinh tế nhiều nước đang phục hồi, cầu của thị trường thế giới đang tăng. Đây là cơ hội rất lớn để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, qua đó mà phục hồi kinh tế.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất kinh doanh là phản ứng chính sách quan trọng nhất. Bên cạnh đó, khởi động lại thị trường trong nước vô cùng quan trọng. Về cơ bản, nếu các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sản xuất, kinh doanh để cung cấp việc làm, Nhà nước nên làm việc này. Khi kinh tế phục hồi thì trả lại việc này cho các doanh nghiệp.
Nhà nước chủ yếu có thể cung cấp việc làm qua đầu tư công. Tăng cường đầu tư công và cắt giảm các thủ tục để nguồn vốn đầu tư công có thể nhanh chóng đổ vào nền kinh tế phải là phản ứng chính sách của Quốc hội tại kỳ họp này.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm từ các hoạt động kích cầu trước đây là phải đầu tư vào đúng những lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ số, giáo dục, y tế và phải giám sát để bảo đảm hiệu quả của đầu tư công.
Ngoài ra, thủ tục đầu tư công là vô cùng phức tạp. Nếu các dự án đầu tư công vẫn phải tiếp tục chạy thủ tục hàng năm trời thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rơi sâu vào suy thoái trước khi chúng được phê duyệt và có thể triển khai.
Chính vì vậy, tại kỳ họp này Quốc hội cần xem xét, ban hành một nghị quyết gọi là "Nghị quyết cắt giảm thủ tục đầu tư công trong giai đoạn phục hồi kinh tế". Hết giai đoạn phục hồi kinh tế, các quy định liên quan đến đầu tư công sẽ tự động phục hồi hiệu lực trở lại.
TTO - "Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, trân trọng những nghĩa cử cao đẹp trong phòng chống dịch, chia sẻ tổn thất, mất mát về sức khỏe, tinh thần mà người dân phải gánh chịu do dịch COVID-19 gây ra".
Xem thêm: mth.45291747012011202-et-hnik-ioh-cuhp-av-ioh-ax-hnis-na-iv-poh-yk/nv.ertiout