Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu cảnh giác với dịch bệnh nhưng phải khôi phục và phát triển kinh tế - Ảnh: TT
Sáng 21-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và kế hoạch ngân sách nhà nước.
Nêu vấn đề quản trị đất nước 100 triệu dân là rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh và điều kiện đất nước hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần phải hết sức chú ý về quản trị.
Đánh giá cao sự cố gắng của toàn dân, lực lượng tuyến đầu đã xông pha trận mạc, vất vả, song với tình hình hiện nay khi nhiều nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch nước cho rằng không được chủ quan hay đơn giản hóa, với điều kiện kiên quyết vẫn là 5K + vắc xin.
Đặc biệt khi vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ cần phải có báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa để khoanh ổ dịch ở mức độ giãn cách khác nhau.
Chủ tịch nước lưu ý cùng với việc đề cao cảnh giác thì cũng không thể đóng cửa mãi đất nước, mà phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội.
Với những khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội như tăng trưởng thấp, hụt thu ngân sách trung ương, Chủ tịch nước cho rằng cần phải trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho khám chữa bệnh COVID-19.
"Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022, tăng GDP 6-6,5%", Chủ tịch nước nhận định.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay cử tri, nhân dân cả nước đang mong đợi quyết sách về công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, về phòng chống dịch cần phải thay đổi tư duy, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, điều kiện tiên quyết là bao phủ vắc xin.
Về chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, ông Huệ cho biết tới đây Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm rõ. Vấn đề quan trọng là điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ cho phù hợp, tăng tổng cầu, tổng cung, gắn với nguồn lực thực hiện.
"Với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ tính đến việc xin đại biểu Quốc hội tổ chức thêm kỳ họp bất thường vào tháng 12 để quyết đáp vấn đề này, không để đến tháng 5-2022 sẽ lỡ nhịp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm là công tác phòng chống dịch gắn với an sinh xã hội và phải coi như "cuộc kháng chiến trường kỳ", nguồn lực tính toán dài hơi, nếu không sẽ khó khăn.
Không thể kéo dài mãi lùi cải cách tiền lương
Về cải cách tiền lương bị chậm lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng do tác động của dịch bệnh nên nhiều tỉnh hết nguồn lực. Đặc biệt, người dân cũng đang khó khăn, thiếu việc làm rất lớn nên nếu nâng lương công chức, viên chức thì sẽ không có ý nghĩa về mặt chính trị.
Tuy vậy, Chủ tịch nước cũng cho rằng không thể kéo dài mãi mà xem xét dành nguồn lực nâng 1 bước lương cho những người nghỉ hưu trước năm 1995. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, dành nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau, báo cáo trung ương để tiếp tục cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
"Yêu cầu này vẫn phải đặt ra trên cơ sở có nguồn thu, không thể đi vay mà tăng lương. Rồi giảm biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp… thì những cải cách đó đồng bộ với các cải cách tiền lương. Chính phủ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án để sớm trình phương án tăng lương, cải cách tiền lương trong thời gian tới", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
TTO - Cùng với việc thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5%.
Xem thêm: mth.81574614112011202-iam-auc-gnod-eht-gnohk-gnuc-gnuhn-ahcid-iov-caig-hnac-coun-hcit-uhc/nv.ertiout