Một vị trí nứt, sụt lún tại đê hữu sông Đáy, qua địa bàn xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai - Ảnh: QUANG THẾ
Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, hệ thống lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có tổng diện tích gần 7.000km2, gồm nhiều chỉ lưu.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có chức năng điều tiết nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho phần lớn diện tích của 5 tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Đê hữu, tả sông Đáy nhiều đoạn bị sụt lún sâu hơn 1m so với mặt đê cũ trong khi vết nứt kéo dài đến cả 100m ở một số huyện ngoại thành Hà Nội như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai khiến cho nhiều tuyến đường giao thông bị nứt toác, ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi.
Ngày 21-10, trao đổi với phóng viên, ông Vương Duy Hùng - chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) - cho biết điểm sụt lún tại km15+750 đến km15+890 (chạy qua thôn Yên Nội, xã Đồng Quang) vết nứt kéo dài hơn 100m, sâu hơn 1m vẫn chưa được xử lý triệt để.
"Do vẫn có hiện tượng sụt đất dọc mái đê nên vị trí xảy ra sự cố mới được tăng cường thêm đất, đá để theo dõi mức độ, hết sụt lún thì mới có thể khắc phục triệt để. Vị trí đê nứt đúng tuyến đường tỉnh lộ 419 nối thị xã Sơn Tây đi quận Hà Đông có rất nhiều phương tiện giao thông qua lại nên sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã cùng đơn vị quản lý đê, UBND huyện xử lý sự cố…", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng thì vết nứt này đã xuất hiện từ tháng 5 sau khi trên địa bàn xảy ra nhiều trận mưa lớn, tuy nhiên từ đầu tháng 10 đến nay thì hiện tượng sụt lún đã tiếp tục lan rộng ra. Người dân địa phương cho biết đoạn đê bị nứt cũng đã từng xảy ra sự cố nhiều lần từ hàng chục năm trước.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận tình trạng sạt lở đê tả sông Đáy trên địa bàn xã Sơn Công vẫn chưa được khắc phục, và cho biết, "lãnh đạo UBND TP Hà Nội ngày 20-10 cũng đã đi thị sát, kiểm tra tình hình. Dự kiến sau cuộc họp ngày hôm nay chúng tôi sẽ tiến hành khắc phục sự cố theo hướng công trình cấp bách".
Cách đoạn đê đang bị sạt lở xã Sơn Công không xa là ở xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cũng xuất hiện một điểm sạt lở đê hữu sông Đáy mới sâu khoảng 1m, rộng 3m, dài khoảng 80m. Sạt lở đã khiến mặt đê cạnh cống trạm bơm Tân Độ (xã Đội Bình) có vị trí sụt đến 1m.
Vết nứt xé toạc đoạn đường - Ảnh: QUANG THẾ
Đến nay trên đê tả, hữu sông Đáy đã xuất hiện 5 điểm sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: QUANG THẾ
Một đoạn đê hữu sông Đáy mới được gia cố tạm thời bằng đất, đá - Ảnh: QUANG THẾ
Trước đó, ngày 20-10, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã thị sát, chỉ đạo khắc phục sự cố đê điều tại huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Ông Quyền chỉ đạo ngăn các phương tiện trọng tải lớn qua đê, đồng thời khẩn trương khảo sát, đánh giá đề xuất UBND TP Hà Nội đầu tư, khắc phục sự cố.
Ngoài kiểm tra tại huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, ông Quyền cũng đã đi thị sát đê hữu Bùi (đoạn xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ), đê tả Đáy (đoạn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng).
Sự cố sạt lở kè bảo vệ đê hữu sông Hồng (đoạn xã Phú Châu, huyện Ba Vì), sạt lở bờ sông Hồng, đoạn thuộc xã Đông Quang (huyện Ba Vì) cũng được đoàn công tác tới kiểm tra.
TTO - Đoạn đê hữu sông Đáy trên địa phận xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị nứt toác, sụt lún đất kéo dài khoảng gần 100m và đang có dấu hiệu lan rộng ra, gây nguy hiểm cho người, phương tiện giao thông qua lại.
Xem thêm: mth.97281922112011202-uuh-neb-nal-at-neb-ac-nul-tus-yad-gnos-ed/nv.ertiout