Trong các bảng mạch và phần cứng điện tử, đều chứa một lượng nhỏ kim loại quý, bao gồm vàng, bạc. Những thiết bị này ngày càng trở thành đồ dùng thiết thân của người dân trên toàn cầu. Vì vậy, mỗi năm lượng rác thải điện tử gia tăng khủng khiếp.
Theo Liên Hợp Quốc, năm 2019 đạt kỷ lục 53,6 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn thế giới. Chỉ có chưa tới 20% chất thải đó được tái chế. Số chất thải còn lại là kim loại quý trị giá khoảng 57 tỉ USD bị vứt bỏ.
Royal Mint là xưởng sản xuất tiền của chính phủ Anh, có tuổi đời khoảng 1.100 năm, đã công bố hôm 20-10 rằng họ đang hợp tác với một công ty khởi nghiệp của Canada có tên là Excir để chiết xuất kim loại quý bằng phương pháp hóa học.
Một phát ngôn viên của Công ty Mint cho biết các kim loại quý từ rác thải điện tử này sẽ được thu hồi ở nhiệt độ phòng. Bà mô tả quy trình này thân thiện với môi trường hơn vì nó tránh được "tác động sinh thái của việc đốt hoặc nấu chảy".
Các thỏi vàng làm ở châu Âu. Ảnh: Bloomberg
Trên trang web của mình, Công ty Excir cho biết công nghệ của họ có thể thu hồi 99% vàng từ rác thải điện tử "chỉ trong vài giây". Công ty gần đây đã nhận được khoảng 4,3 triệu USD hỗ trợ tài chính từ một quỹ liên kết với chính phủ Canada tài trợ cho công nghệ sạch.
Theo một báo cáo năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, lượng vàng trong một tấn điện thoại di động nhiều gấp 100 lần so với một tấn quặng vàng. Theo giá hiện tại, một ounce vàng trị giá khoảng 1.750 USD.
Bà Anne Jessopp, giám đốc điều hành của Royal Mint, cho biết: "Tiềm năng của công nghệ này là rất lớn, nó giúp giảm tác động của rác thải điện tử, bảo quản hàng hóa quý giá".
Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã đặt câu hỏi rằng việc khai thác kim loại quý từ rác thải điện tử có tính bền vững và trung tính với môi trường như thế nào, vì nó thường liên quan đến việc sử dụng axit.
Công ty Excir cho biết phương tiện mà họ sử dụng để chiết xuất các kim loại quý "là một giải pháp cực kỳ nhẹ và thân thiện với môi trường có thể được tái chế với tác động môi trường không đáng kể".
Xem thêm: nhc.64914344112011202-uab-ohk-hnaht-ut-neid-car-neib-hna-auc-aig-gnaoh-neit-cud-gnoux/nv.fefac