Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá việc thí điểm khôi phục hoạt động vận tải hành khách tốt và đồng ý chuyển sang giai đoạn bình thường mới, Bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời về việc tiếp tục triển khai các đường bay nội địa và đường sắt trong một tháng tiếp theo (từ ngày 21-10 đến 31-11). Các hướng dẫn mới này đều nới lỏng tối đa điều kiện đi lại cho hành khách.
Điều kiện thoáng hơn giai đoạn thí điểm
Về hàng không, hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 3 trở lên hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3 trở lên hoặc vùng phong tỏa và chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Trường hợp hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn khác phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm về địa phương; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác.
Sau khi hoàn thành chuyến bay, hành khách di chuyển về nơi cư trú, lưu trú và hạn chế dừng, tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.
Đối với đường sắt, Bộ GTVT đưa ra điều kiện đối với hành khách thông thoáng hơn so với hàng không. Hành khách không cần xét nghiệm nếu đi từ vùng xanh, vàng, cam; chỉ xét nghiệm nếu đi từ vùng đỏ, vùng phong tỏa hoặc có yêu cầu điều tra dịch tễ. Ngoài ra, hành khách cần xét nghiệm y tế khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng…
Các quy định này đã nới lỏng điều kiện hơn giai đoạn thí điểm (từ ngày 13 đến 20-10) là hành khách từ vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm và tiêm đủ liều vaccine, từ vùng nguy cơ thấp cần xét nghiệm.
Các hãng đã sẵn sàng mở lại tất cả đường bay nội địa. Ảnh: V.LONG
Sau khi xuống tàu, hành khách thực hiện các quy định tương tự như đi máy bay. Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Cũng theo hướng dẫn này, Bộ GTVT đồng ý tăng thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam cũng như một số tuyến ngắn.
Với hàng không, đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng tăng lên không quá sáu chuyến hằng ngày mỗi chiều từ ngày 21-10 đến 14-11; không quá bảy chuyến hằng ngày mỗi chiều từ ngày 15 đến 30-11.
Các đường bay khác tăng lên không quá bốn chuyến hằng ngày mỗi chiều, thay vì chỉ khai thác một chuyến khứ hồi như hiện nay.
Đường sắt và các hãng bay tăng chuyến
Ngày 21-10, ngay sau khi có kế hoạch trên, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết tuyến Bắc - Nam tăng thêm một đôi tàu khách Thống Nhất SE3/4, xuất phát cùng lúc tại ga Hà Nội, ga Sài Gòn lúc 19 giờ 25. Như vậy, trên tuyến Bắc - Nam có tổng cộng ba đôi tàu khách hoạt động, gồm SE3/4, SE5/6 và SE7/8.
Các đoàn tàu này sẽ thực hiện việc đón, trả khách tại 38 ga thay vì 23 ga như trước, gồm: Hà Nội, Giáp Bát, Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Minh Khôi, Chợ Sy, Vinh, Yên Trung, Hương Phố, Đồng Lê, Minh Lệ, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Trà Kiệu, Tam Kỳ, Núi Thành, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bồng Sơn, Diêu Trì, La Hai, Tuy Hòa, Giã, Ninh Hòa, Nha Trang, Tháp Chàm, Sông Mao, Bình Thuận, Suối Kiết, Long Khánh, Biên Hòa, Dĩ An và Sài Gòn.
Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, từ ngày 23-10, ngành đường sắt tổ chức chạy thêm hằng ngày đôi tàu khách LP3/8. Như vậy, trên tuyến này sẽ có đôi tàu hoạt động gồm LP5/6 và LP3/8. Tuyến Hà Nội - Vinh, từ ngày 21-10 tổ chức chạy đôi tàu NA1/2.
Trên tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, từ ngày 22-10 tổ chức chạy đôi tàu SE21/22, trong đó tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 10 giờ 40 ngày 22-10, tàu SE21 xuất phát tại ga Đà Nẵng lúc 8 giờ 47 ngày 23-10.
Về hàng không, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, qua thí điểm mở lại các đường bay nội địa cho thấy lượng hành khách có nhu cầu đi lại lớn ở ba sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Từ đó, ngành hàng không đề xuất tăng chuyến đối với các chặng bay này từ một chuyến khứ hồi lên sáu chuyến mỗi chiều. Các chuyến bay này sẽ được phân bổ đều cho các hãng.
Theo đại diện Bamboo Airways, giai đoạn một tháng tiếp theo hãng sẽ hồi phục và tăng tần suất 31 đường bay nội địa, trong đó có 15 đường bay khứ hồi kết nối Hà Nội, 17 đường bay khứ hồi kết nối TP.HCM (bao gồm đường bay TP.HCM - Hà Nội). Cạnh đó, hãng cũng dự kiến mở lại các chặng bay đi đến Đà Nẵng không qua Hà Nội, TP.HCM.
Ngoài ra, hãng này cũng xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình ưu đãi hấp dẫn để dành tặng khách hàng. Đó là tặng vé bay Điện Biên miễn phí đến hết ngày 30-11 cho các cựu chiến binh và người có công với cách mạng; Bamboo Joy - combo bốn vé bay một chiều không định danh giá chỉ từ 2,8 triệu đồng; thẻ bay Bamboo Pass Unlimited bay thỏa sức không giới hạn với giá chỉ 20 triệu đồng…
Cùng ngày, VietJet, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết sẽ khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa từ ngày 21-10 đến 30-11. Đồng thời, các hãng này cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi về giá vé để hỗ trợ hành khách.•
Tăng các chuyến xe khách liên tỉnh Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo Sở GTVT tăng thêm lưu lượng đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh đã được UBND cấp tỉnh đồng ý. Cạnh đó, mở thêm các tuyến mới phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn địa phương; phấn đấu duy trì hoạt động từ 10% đến không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố. Bộ GTVT cho biết đến ngày 18-10, mới có 48 địa phương đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. |