Dù có số vốn đầu tư đăng ký ra nước ngoài lớn nhất, chiếm tới 59% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng là doanh nghiệp đang có số dự án khó khăn, thua lỗ và nguy cơ thua lỗ lớn nhất.
Doanh nghiệp nhà nước lỗ thêm 84 triệu USD
Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020 vừa được gửi tới Quốc hội cho thấy đến cuối năm 2020, có tổng cộng 28 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (gọi tắt là DNNN) thực hiện 131 dự án đầu tư ra nước ngoài.
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài được giải ngân tính đến cuối năm 2020 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đến cuối năm 2020 đạt khoảng 6,71 tỉ USD, tương đương khoảng 50% tổng vốn đăng ký. Trong số này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, khoảng 3,97 tỉ USD, chiếm 59% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các DNNN. Tiếp theo là các tập đoàn Viettel đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,45 tỉ USD, VRG đầu tư ra nước ngoài 925,8 triệu USD.
Đáng chú ý là trong số 121/131 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DNNN có báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, có 32 dự án không phát sinh doanh thu, 89 dự án có doanh thu (với tổng doanh thu tại nước ngoài khoảng 5,54 tỉ USD, bằng 79% cùng kỳ năm 2019) và có tới 28 dự án đầu tư bị lỗ, với tổng số lỗ 236,89 triệu USD.
Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, số lỗ của các doanh nghiệp tăng thêm trong năm 2020 là 81 triệu USD nếu so với năm 2019. Tuy nhiên nếu tính lũy kế đến cuối năm 2020, có tới 46 dự án đầu tư ra nước ngoài của các DNNN có lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế các năm lên tới 1,17 tỉ USD.
Loạt dự án tỉ USD đình trệ của PVN
Đánh giá về kết quả trên, cơ quan soạn thảo báo cáo gửi Quốc hội là Bộ Tài chính nhìn nhận nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài tiếp tục gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chưa có hiệu quả đầu tư. Điển hình là các dự án đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí và các dự án trồng, chế biến caosu.
Con số lỗ lũy kế ngày càng lớn của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, cũng như việc hàng loạt dự án thăm dò, khai thác dầu khí gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro và chưa rõ hiệu quả đầu tư một lần nữa đặt ra câu hỏi về hiện trạng và số phận hàng loạt dự án quy mô lớn mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) triển khai thời gian trước đây.
Thực tế trước đó Bộ Công Thương trong báo cáo gửi Chính phủ về việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) từng rõ có tới 11/13 dự án mà PVN ủy quyền cho Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, đứng trước nguy cơ thua lỗ hoặc chưa rõ hiệu quả. Một số dự án trong số này phải tạm dừng triển khai, nguy cơ mất lượng tiền lớn đầu tư mà điển hình là 532 triệu USD rót vào dự án Junin 2 tại Venezuela.
Ở dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,82 tỉ USD cho giai đoạn 2010 - 2015 này, PVEP là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng Công ty Dầu khí Venezuela tham gia. Tuy nhiên do không có tiến triển sau thời gian dài triển khai, dự án phải tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo ngày 2.12.2013 của Văn phòng Chính phủ.
Một dự án khác là tại lô Nagumanov (Nga), PVN tham gia với tỉ lệ vốn góp 49% trong Công ty TNHH Gazpromviet - GPV để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Nga và các nước thứ ba.
PVN từng xin rút khỏi liên doanh này nhưng đến tháng 4.2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng nêu rõ việc chưa đồng ý cho PVN rút khỏi công ty này và đến tháng 10.2017 Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận về phương thức tiếp tục tham gia của PVN trong Công ty TNHH Gazpromviet. Trong khi đó với việc nghiên cứu thăm dò lô Danan (Iran), PVEP góp vốn 82,07 triệu USD và cũng phải xin tạm dừng/giãn tiến độ.
Đáng chú ý, một loạt dự án đầu tư của PVN ở khu vực ASEAN cũng gặp nhiều vấn đề. Trong số này ngay từ đầu năm 2018, PVN đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép PVEP được chuyển nhượng toàn bộ 15% quyền lợi tham gia vào lô dầu PM304 và kết thúc dự án tại các lô XV, lô SK305 ở Malaysia.
Tại Myanmar, PVEP cũng có 3 dự án đầu tư chưa rõ hiệu quả, đó là dự án lô M2, lô MD2 và lô MD4. Tại Campuchia, sau khi PVEP đầu tư 72,4 triệu USD để thực hiện thăm dò dầu khí nhưng đến hết thời hạn cấp phép đầu tư, PVEP vẫn chưa thể triển khai dự án, buộc phải chuyển nhượng lại cho đối tác nước ngoài.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố, tập đoàn này hiện đang có 3 công ty liên doanh, liên kết bao gồm Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro và Công ty TNHHH Gazpromviet.
Theo đó tại Gazpromviet, sau khi đề xuất xin rút khỏi liên doanh không được Chính phủ chấp thuận, tỉ lệ vốn góp của PVN tại liên doanh khai thác dầu thô và khí này hiện đã giảm từ 49% theo tỉ lệ ban đầu xuống còn 20,44%.
Xem thêm: odl.331669-man-teiv-ihk-uad-naod-pat-auc-ert-hnid-ol-auht-na-ud-taol/et-hnik/nv.gnodoal