Ngày 21-10, Sở Công thương TP Cần Thơ đã ban hành hướng dẫn tạm thời về việc cho phép các chợ hoạt động trở lại trên địa bàn TP Cần Thơ.
Theo đó, những chợ ở tại địa bàn đang được cơ quan có thẩm quyền đánh giá Cấp độ 1, 2, 3 thì khách hàng, tiểu thương thực hiện nghiêm 5K; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh (PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử, VNEID…) để khai báo y tế khi đến chợ.
Chợ An Thới ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ tạm dừng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: NHẪN NAM
Riêng khách hàng khi có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác… thì không được vào chợ. Tiểu thương khi có triệu chứng sốt, họ, đau họng, mất vị giác, khứu giác… thì phải khai báo cho đơn vị quản lý chợ và cơ sở y tế gần nhất.
Cạnh đó, 100% tiểu thương tại chợ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày; người mắc COVID-19 khỏi bệnh trong thời gian sáu tháng.
Đối với quản lý chợ thì 100% người làm việc tại chợ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sau 14 ngày hoặc khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian 6 tháng. Phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành y tế, kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị.
Ngoài ra trang bị các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch tại đơn vị; Thực hiện nghiêm 5K; Đảm bảo vệ sinh, môi trương phòng, chống dịch tại các khu vực.
Đối với những chợ tại địa bàn đang được cơ quan có thẩm quyền đánh giá cấp độ 4 ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp theo cấp độ 1, 2, 3 nêu trên còn phải bổ sung các biện pháp như khách hàng giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người kế cận. Tiểu thương phải tiêm đủ liều vaccine, kẻ vạch giãn cách giữa tiểu thương với khách hàng, tiểu thương với tiểu thương, tối thiểu 2m.
Đơn vị quản lý chợ có 100% người làm việc tại chợ phải tiêm đủ liều vaccine; chỉ bán những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả… Đồng thời sắp xếp tổng số lô sạp theo diễn biến của dịch nhưng tối đa không quá 50%; Hạn chế khách hàng vào chợ, cùng thời điểm không quá 50 người với chợ hạng I và không quá 30 người với chợ hạng II, III; Bố trí lối ra, vào riêng biệt, kẻ vạch đi một chiều, khoảng cách 2m...
Chợ đầu mối Tân An (quận Ninh Kiều) khi chưa thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: GIA TUỆ
Đối với chợ tạm, tùy tình hình dịch bệnh ở địa phương, căn cứ vào các điều kiện nêu trên, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng quận, huyện tham mưu cho UBND quận, huyện hướng dẫn UBND cấp xã cho hoạt động lại các chợ tạm, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của nhân dân, nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng theo hướng dẫn của Sở Công thương, các đơn vị quản lý chợ tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo Quyết định 2225 ngày 28-5-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Xếp loại đánh giá từ 80-100 điểm thì được phép hoạt động.
Đơn vị tự chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phải thông báo với Sở Công thương trước khi hoạt động trở lại đối với chợ Hạng I; Phóng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng quận, huyện đối với chợ hạng II, III và chợ tạm theo phân cấp.