Năm 2012, cô có cơ hội vẽ ra chuyến đi đầu tiên cho một vị lãnh đạo thế giới (giấu tên) đến Ai Cập vừa vì yếu tố công việc vừa để khám phá đất nước này. Chuyến đi đã đưa nhà lãnh đạo từ Cairo đến du ngoạn trên sông Nile bằng du thuyền riêng, với một số điểm dừng tại các di tích lịch sử trên đường đi. Họ đã kết thúc hành trình tại cố đô Luxor – nơi được mệnh danh là bảo tàng ngoài trời vĩ đại nhất thế giới với một số lăng mộ và đền thờ lâu đời.
Sau trải nghiệm đầu tiên thành công ngoài mong đợi, India tiếp tục lên kế hoạch cho các chuyến đi của George W. Bush, cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác.
Jaclyn Sienna India của Sienna Charles, nơi chuyên tổ chức du lịch cho các lãnh đạo thế giới. Ảnh: Sienna Charles
Chuyến đi của Bush
Vào năm 2015, India đã dàn dựng rất tỉ mỉ một chuyến đi đến những nơi xa xôi nhất của Ethiopia cho Tổng thống Bush, đệ nhất phu nhân Laura, 4 người bạn, bác sĩ và 30 nhân viên Sở mật vụ. Sở dĩ ông Bush muốn đến đây là vì trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông đã không có đủ thời gian để ra ngoài và khám phá nhiều thứ. Ông đến thăm khoảng 80 quốc gia nhưng do lịch trình khắt khe mà không tìm hiểu được xung quanh.
India đã lên kế hoạch cho một cuộc hành trình nhiều chặng từ Thung lũng Omo River xa xôi, nơi sinh sống của một số bộ lạc biệt lập nhất thế giới. Chuyến đi đầy thử thách về mặt hậu cần, đòi hỏi nhiều phương thức vận chuyển khác nhau, từ xe SUV đến trực thăng, máy bay phản lực tư nhân và thuyền trên sông.
Trong chuyến đi này, yêu cầu về đồ ăn cũng rất khắt khe. Bush thích những món ăn thoải mái như bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mì ống khi đi du lịch. Vì vậy India phải đảm bảo luôn có sẵn. Càng là lãnh đạo thế giới, kỳ vọng của họ khi đi lại sẽ càng cao.
Các khách sạn ở Ethiopia cũng không đáp ứng được kỳ vọng của India, thay vào đó, cô đã làm việc với các đối tác địa phương để xây dựng những khu trại sang trọng cho cựu Tổng thống và đoàn tùy tùng của ông. Cô mua đồ nội thất hoàn toàn mới, giường, ga trải giường để xây dựng những căn hộ đẹp đẽ từ đầu.
“Khách hàng là những người điều hành quốc gia nên họ hiểu sức mạnh của việc thuê chuyên gia và có thể nhường (quyền kiểm soát) cho những người giỏi một chuyên môn nào đó”, India cho biết.
Chuyến đi của India với cựu Tổng thống Bush. Ảnh: Sienna Charles |
Có lần, India đã giúp một lãnh đạo thế giới tổ chức sinh nhật cho vợ mình bằng cách phủ toàn bộ biệt thự riêng bằng những bông hoa hồng Cherry Snow được chuyển trực tiếp từ Ecuador. Một lần khác, India làm việc với các nhà sản xuất phim trường và chuyên gia tạo kiểu để tạo ra khung cảnh đậm chất điện ảnh Paris ở ngay giữa trung tâm Miami cùng thực đơn đặc biệt đến từ đầu bếp Eric Ripert.
Và tại Ý, India đã sắp xếp để một nhà lãnh đạo thế giới có chuyến thăm riêng gặp nhà thiết kế trang sức nổi tiếng để làm ra chiếc nhẫn Navette bằng vàng với một viên ruby có mặt cắt hình bầu dục và 24 viên kim cương cắt tròn có giá 714.000 USD dành tặng vợ.
Tính bảo mật và an ninh trong mỗi chuyến đi
Trong hầu hết các trường hợp, India nói rằng khách hàng đến với cô vì tầm nhìn và hy vọng vào những chuyến đi. India phải làm việc chặt chẽ với trợ lý cá nhân và an ninh của khách hàng để xác định các chi tiết. Từ loại phòng nào cần ở cho đến vấn đề dị ứng thực phẩm, loại nhà hàng khách thích, thời gian thức dậy, loại báo muốn đọc… đều được India ghi chép cẩn thận.
Việc đi lại có vẻ khá suôn sẻ vì 100% khách hàng của cô đều có du thuyền, trực thăng hoặc máy bay phản lực riêng. Để bảo mật tốt nhất, công ty của India thường phải “bao trọn” các di tích, bảo tàng lớn để khách hàng VIP của cô có thể trải nghiệm một mình. India đã từng làm như vậy ở nhà hát Opera Sydney, nhà thờ Hagia Sophia ở Istanbul, bảo tàng Louvre, Versailles, tượng Nhân sư ở Giza, Machu Picchu ... Nếu không thể thương lượng được việc viếng thăm ngoài giờ, India có thể phải quyên góp từ 20.000 USD đến 100.000 USD cho bất cứ nơi nào.
Ngoài tính bảo mật, vấn đề an ninh khi làm việc với các lãnh đạo thế giới, những người có xu hướng đi du lịch với ít nhất một nhân viên an ninh cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Những nhân viên này luôn muốn biết hành trình để vạch ra kế hoạch tỉ mỉ, ngay cả việc phải đi bao nhiêu bước từ ôtô xuống địa điểm tham quan trong khi du lịch chỉ là sự tình cờ.
Khi đưa cựu Tổng thống Bush đến Thung lũng Omo River để gặp những bộ tộc hẻo lánh, India đã hỏi nhân viên an ninh là liệu ông ấy có thể đi xuống một con đường rất dốc với tầm nhìn kém hay không thì nhận được câu trả lời là “không”. India đã đến hỏi trực tiếp Bush vì nhận thấy đây là cơ hội hiếm có thì lại nhận được câu trả lời là “hoàn toàn có”. Từ đó, India nhận ra rằng, việc tôn trọng nhân viên an ninh cũng có thể khiến khách của cô không được tận hưởng điều tuyệt vời nhất của chuyến đi.
Một di tích ở Ethiopia. Ảnh: Getty |
Kinh doanh du lịch xa xỉ
Theo India, đại dịch không ảnh hưởng đến chuyến du lịch của những người cực kỳ giàu có và tinh hoa, mọi người sẵn sàng chi tiêu để làm bất cứ điều gì họ muốn. India nhận thấy một số xu hướng du lịch siêu sang lại được thúc đẩy trong đại dịch, ví dụ như khách hàng của cô thường quyết định sẽ lên đường trước một hoặc 2 ngày do sự không chắc chắn của các hạn chế biên giới và yêu cầu kiểm dịch. Đồng thời, họ cũng bắt đầu bỏ qua các phương tiện di chuyển công cộng mà mua du thuyền, máy bay, phản lực hay bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong lúc thế giới đang đại dịch, những người giàu có thể ít chia sẻ về những chuyến đi của họ khiến nhiều người lầm tưởng du lịch đang đóng băng. Thế nhưng, theo India, số tiền chi tiêu cho việc này hiện tại là “điên rồ, không tưởng”. Trước đại dịch, India giúp khách hàng thuê du thuyền với giá 200.000 USD đến 300.000 USD mỗi tuần thì giờ đây, họ đang đặt những chiếc du thuyền có giá lên đến 1 triệu USD mỗi tuần. Khi nói đến nhà nghỉ và bất động sản, India cho biết chi tiêu cũng đã tăng vọt từ mức trung bình 10.000 USD/đêm lên 35.000 USD/đêm trở lên.
Xét một cách toàn diện, mọi người đang sẵn sàng trả tiền cho sự độc quyền ở đúng nơi và vào đúng thời điểm. Luôn luôn là như thế.
Bảo tàng Louvre, Pháp. Ảnh: Getty |
Phương Kim
NDH