Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 32/2021 về hạn mức chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12-12-2021 và sẽ thay thế cho Quyết định số 21/2017
Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người, tại một tổ chức tham gia BHTG, khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.
Trước đây, số tiền tối đa chi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng chỉ là 75 triệu đồng.
Từ khi chính sách BHTG được triển khai tại Việt Nam, hạn mức BHTG đã có 3 lần được điều chỉnh tăng. Theo đó, hạn mức BHTG ở mức chỉ dừng ở mức tối đa là 30 triệu đồng trong giai đoạn 1999-2005, sau đó hạn mức này được nâng lên 50 triệu đồng trong giai đoạn 2005-2017 và từ năm 2017 đến nay là 75 triệu đồng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, quyết định tăng hạn mức BHTG lên 125 triệu đồng là phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, hướng tới bảo vệ toàn bộ đối với 90%-95% người gửi tiền được bảo hiểm theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, hạn mức BHTG cũng cần phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tương xứng với thu nhập bình quân đầu người và tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Việc tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi nâng cao mức độ bảo vệ người gửi tiền, song cũng đặt lên vai tổ chức BHTG một áp lực nhất định khi phí BHTG không điều chỉnh tăng theo.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, tăng phí BHTG có thể gia tăng gánh nặng đối với các tổ chức tham gia BHTG. Vì thế, nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm song không tăng phí BHTG đòi hỏi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải quản lý, đầu tư nguồn vốn một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo thanh khoản tốt để luôn sẵn sàng bảo vệ người gửi tiền.