Quảng Nam - Tại Quảng Nam, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke kiến nghị, xin được mở cửa đón khách trở lại.
Ông Trần Anh Tuấn, chủ quán karaoke Ruby tại TP.Tam Kỳ Quảng Nam cho biết, đây lần thứ 2 ông cùng 10 chủ quán karaoke ký đơn kiến nghị gửi lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xin được mở cửa đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Tuấn, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến ngành dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên, ông đã dừng kinh doanh nhiều tháng, nhiều đợt để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Năm nay, các cơ sở lại tiếp tục tạm dừng hoạt động đã gần 6 tháng.
“Mỗi một cơ sở kinh doanh karaoke đều đầu tư hơn chục tỉ đồng để xây dựng và đa phần là bằng vốn vay ngân hàng. Do đó, các cơ sở đã phải chống chọi để trang trải chi phí nợ nần chồng chất nhằm duy trì hoạt động. Chưa kể, 6 tháng qua, tiền thuê mặt bằng dù đã thương lượng với các chủ giảm được ít nhưng nếu kéo dài sợ chúng tôi cũng chịu không nổi.
Đặc biệt, nhiều ngành nghề được hỗ trợ nhưng các cơ sở kinh doanh karaoke và nhân viên đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Đời sống nhân viên cũng vô cùng khó khăn khi nghỉ dịch nhiều tháng liền”- ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, tuy là hoạt động không thiết yếu nhưng ngành nghề này cũng góp phần đóng góp vào ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động.
Đặc biệt, hiện nay, Thủ tướng đã có chủ trương dần bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhưng đảm bảo phục hồi kinh tế - xã hội nên rất mong được mở cửa trở lại.
“Hiện nay, nếu tiếp tục tạm dừng hoạt động, chắc chắn chúng tôi sẽ không trả nổi gốc lãi vay ngân hàng, thậm chí đối mặt với tình trạng phá sản hoặc vỡ nợ, đội ngũ nhân viên thì không có việc làm. Nếu không cho hoạt động hết công suất như quán nhậu, cà phê thì cũng nên cho chúng tôi mở 50% để có tiền đóng lãi suất ngân hàng, tiền thuê mặt bằng” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đôn Hậu - chủ quán karaoke ở Điện Bàn cho hay, hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã cho phép mở cửa các quán nhậu, cà phê… hoạt động trong môi trường đông người. Tuy nhiên, đến giờ này, các cơ sở karaoke vẫn chưa mở cửa trở lại khiến ông gặp nhiều khó khăn. Dù không hoạt động nhưng chi phí duy trì rất cao chưa tính là tiền mặt bằng và lãi suất ngân hàng. Trong thời gian tới nếu chưa được mở cửa thì rất dễ bị phá sản.
“Chúng tôi rất muốn được xem xét mở cửa trở lại và cam kết sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định để cứu vãn kinh doanh trong tình hình mới. Thiết nghĩ chúng ta đã khoanh vùng hẹp vậy thì ở những huyện, thị xã, thành phố không có dịch và đã tiêm đạt vaccine thì cho mở cửa trở lại chứ chúng tôi sắp chống chịu hết nổi nữa rồi” - ông Hậu chia sẻ.
UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ, yêu cầu các địa phương tiếp tục tạm dừng các dịch vụ không thật sự cần thiết trên địa bàn tỉnh, gồm: Quán bar, karaoke, vũ trường, game, rạp chiếu phim, cơ sở massage cho đến khi đảm bảo an toàn cộng đồng.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện tại tỉnh Quảng Nam đang được đánh giá cấp độ dịch cấp 2 - thuộc vùng nguy cơ trung bình, dịch bệnh ở các huyện vùng núi vẫn đang diễn biến phức tạp nên tỉnh chưa cho phép mở cửa trở lại. Các loại hình kinh doanh này đều trong phòng kín, điều hoà nên nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao. Khi nào đảm bảo an toàn và tỉ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 của tỉnh đạt trên 80% dân số người trong độ tuổi tiêm chủng đủ 2 mũi thì tỉnh mới cho phép (hiện nay dưới 10 phần trăm).