Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về tài chính - Ảnh: VGP
Theo báo cáo, giá heo hơi liên tục giảm, từ mức 70.000 - 75.000 đồng/kg vào tháng 3 đã giảm còn 42.000 - 50.000 đồng/kg vào tháng 9 và hiện dao động quanh mức 35.000 - 45.000 đồng/kg.
Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi, đặc biệt là hộ nhỏ lẻ dẫn tới người chăn nuôi vẫn thua lỗ, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung, đặc biệt dịp tết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm do dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội, dừng hoạt động nhiều lĩnh vực nên nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt từ 30-50%. Đến nay, dù mở cửa trở lại nhưng mức tiêu thụ vẫn hạn chế, trong khi chu kỳ sản xuất, tái đàn vẫn bình thường.
Hiện bộ đã lập hai tổ công tác để kết nối giao thông; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhờ vậy, giá heo và gia cầm đã tăng trở lại.
Nhấn mạnh đến yếu tố cung cầu thị trường, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chỉ ra dù giá heo hơi giảm nhưng giá thịt heo thành phẩm chưa giảm tương xứng, phổ biến vẫn ở mức 60.000 - 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000 - 130.000 đồng/kg tại siêu thị.
Lý giải, ông Hải nói tỉ trọng heo hơi chiếm 55-60% trong giá heo thịt, các chi phí khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng, nên giá thịt heo thành phẩm không giảm tương ứng.
Đồng tình, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Do đó, cần phải tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều hành từ Nhà nước, các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
"Cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn heo, chưa xuất chuồng được", phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ tài chính.
Đồng thời, ông Thành đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế; khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt heo hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Cần làm việc với các doanh nghiệp chế biến, hộ tiêu thụ lớn, doanh nghiệp có năng lực dự trữ để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước. Tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng cát cứ, gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường.
TTO - Chỉ vài ngày sau khi TP.HCM, sau đó đến Đồng Nai và Bình Dương, áp dụng giãn cách, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt... tại các địa phương giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng do bán dưới giá vốn nhưng vẫn không tìm được người mua.
Xem thêm: mth.70554209122011202-nahk-poh-uhp-hnihc-aun-nahp-ned-maig-ioh-oeh-aig/nv.ertiout