Nhân viên y tế chăm sóc cho các trường hợp F0 đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cập nhật mới nhất của Bộ Y tế đến tối 22-10 cho thấy bản đồ cấp độ dịch toàn quốc đã gia tăng các xã phường nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ rất cao (màu đỏ) và nguy cơ trung bình (màu vàng), giảm xã phường xanh (vùng bình thường mới).
Theo thống kê của Bộ Y tế, cập nhật mới nhất (tối 22-10) cho thấy toàn quốc ở quy mô tỉnh thành, có 24 tỉnh ở cấp độ 1 (màu xanh, tức vùng bình thường mới).
39 tỉnh thành cấp độ 2 (màu vàng, tức nguy cơ trung bình).
Tuy nhiên ở quy mô xã phường, thống kê toàn quốc với 9.881 xã phường, số xã phường màu xanh là 6.676, giảm gần 300 xã phường so với ngày trước đó, trong khi số xã phường màu vàng, cam, đỏ đều tăng. Cụ thể, có 3.051 xã phường màu vàng, 113 xã phường màu cam, 41 xã phường màu đỏ.
Cho thấy số xã phường có nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao có gia tăng, dù số xã phường màu cam, đỏ tăng thấp nhưng cũng cảnh báo khi mở lại các hoạt động và dịch vụ sẽ có nguy cơ lây lan dịch, nên áp dụng tốt 5K.
Số ca tử vong trong ngày ở TP.HCM có khuynh hướng giảm liên tục
Trong ngày 22-10 có 33 ca COVID-19 tử vong, đây là số ca tử vong thấp nhất trong hơn hai tháng qua. TP.HCM đã trải qua 20 ngày duy trì số ca tử vong ở mức 2 con số.
Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc đánh giá cấp độ dịch của TP.
Về tiêu chí 1, số ca mắc mới trong tuần của TP từ ngày 14 đến 20-10 là 7.113 ca, giảm trên 3.000 ca so với tuần trước đó.
Với dân số trên 9,1 triệu dân, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 dân/tuần của TP hiện là 95,6 ca; đạt mức độ 3 (màu cam, nguy cơ cao).
Tuy nhiên ở tiêu chí về tỉ lệ bao phủ vắc xin, tính đến ngày 20-10, TP có 98,9% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; 92% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin. Cộng thêm đảm bảo năng lực tiếp nhận điều trị, cấp độ dịch của TP.HCM hiện đang ở mức 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình).
TP.HCM mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ từ tuần tới
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết dự kiến ngày 25-10, TP công bố cấp độ dịch và dự kiến tuần tới sẽ cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ ở một số khu vực kiểm soát được dịch.
Ngành y tế TP cảnh báo người dân tiếp tục cảnh giác với tình hình dịch bệnh, đồng thời đang xây dựng mới quy trình điều tra, xử lý ổ dịch phù hợp với tình hình hiện nay. Việc xử lý ổ dịch vừa phải đảm bảo hạn chế nguồn lây vừa phải tránh làm xáo trộn đến đời sống người dân.
Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định mới về giá test xét nghiệm
Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế cho biết Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có cuộc họp với Bộ Y tế, nghe báo cáo về quản lý giá vật tư, dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 20-10, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 loại sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore,… và sản xuất trong nước).
Gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP), 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể. Ngoài ra, các đơn vị vẫn tiếp tục nộp hồ sơ và Bộ Y tế đang tiếp tục khẩn trương thẩm định và cấp phép cho các test xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định.
Về cung ứng và giá test xét nghiệm do các công ty sản xuất, kinh doanh công bố theo quy định, tính đến ngày 20-10, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ.
Nhiều người dân mong muốn khi đã tiêm 2 mũi và test COVID-19 âm tính thì cần kiểm tra giấy tờ nhanh tại các chốt, chứ không cần quá nhiều yêu cầu như hiện tại - Ảnh: PHẠM TUẤN
Giá test, theo Bộ Y tế, phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường, nguồn gốc, quốc gia sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, thời điểm đặt hàng và số lượng đặt hàng… khác nhau thì giá test khác nhau.
Thông thường, giá test sản xuất tại một số nước châu Á rẻ hơn giá test sản xuất tại các nước châu Âu, Mỹ. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, nhu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng thì giá cao, ngược lại giá sẽ giảm…
Bộ Y tế cũng cho biết đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, đã công bố lấy ý kiến từ cuối tháng 9 và với giá test xét nghiệm các loại (xét nghiệm nhanh, PCR, mẫu đơn, mẫu gộp) đều thấp hơn hiện hành. Bộ Y tế cho biết thông tư này sẽ có hiệu lực thực hiện từ 1-11.
Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế đưa giá test vào tính chi phí xét nghiệm. Đồng thời có kỹ thuật thể hiện phù hợp để thích ứng linh hoạt với diễn biến giá test trên thị trường. Các cơ quan đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm mới.
WHO ước tính khoảng 115.000 nhân viên y tế đã tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 22-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 243.464.854 ca COVID-19, trong đó có 4.948.662 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 220.599.145 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 753.845 ca tử vong trong tổng số 46.180.481 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 453.101 ca tử vong trong số 34.144.948 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.764 ca tử vong trong số 21.697.341 ca.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới - Ảnh: REUTERS
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 115.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã tử vong do đại dịch COVID-19. Trong số 135 triệu nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe, WHO cho biết ước tính rộng hơn là khoảng 80.000 đến 180.000 nhân viên có thể đã hy sinh vì COVID-19 trong khoảng thời gian đó.
Tính theo tỉ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 344 người và CH Bắc Macedonia với 337 người/100.000 dân.
Mỹ Latin và Caribê hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,6 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 71 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong.
Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 78,4 triệu ca mắc.
Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca.
Châu Phi ghi nhận hơn 216.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
Trong 24 giờ qua, Lào có thêm 520 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 518 ca lây nhiễm cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 34.519 ca, trong đó có 49 ca tử vong.
Bộ Giáo dục Campuchia cho phép toàn bộ trường học mở cửa trở lại từ ngày 1-11 - Ảnh: KHMER TIMES
Campuchia sẽ mở cửa trở lại tất cả các trường học từ ngày 1-11, đồng thời xem xét mở lại đường bay với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Ngày 22-10, Campuchia xác nhận có 148 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, với 22 ca nhập cảnh và 126 ca cộng đồng, 11 ca tử vong, trong đó có 7 ca chưa tiêm vắc xin.
Malaysia bắt đầu triển khai liều tăng cường Pfizer/BioNTech cho ai đã tiêm 2 liều vắc xin của Hãng Sinovac ít nhất 3 tháng. Nước này sẽ cho lao động nước ngoài quay trở lại làm việc cũng như cho phép một số du khách đến hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi.
Thủ tướng Thái Lan đã ra lệnh chấm dứt áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 17 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok, từ ngày 31-10 để hỗ trợ kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 tới Thái Lan từ đầu tháng 11.
Số ca nhiễm ở Nhật giảm kỷ lục, Anh đang nghiên cứu biến thể AY.4.2
Người đi đường đeo khẩu trang tại thủ đô Tokyo, Nhật ngày 6-8-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nước này - Ảnh: REUTERS
Trong ngày 22-10, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận thêm 26 ca COVID-19 - mức thấp nhất kể từ ngày 17-6 năm ngoái. Tính tới ngày 21-10, gần 96,41 triệu người ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19, trong đó có gần 86,94 triệu người (khoảng 69% dân số) đã tiêm đủ hai mũi.
Tại Iran, các tín đồ Hồi giáo đã được phép tham gia lễ cầu nguyện thứ sáu tại thủ đô Tehran sau gần 20 tháng ngừng do đại dịch COVID-19. Thống kê cho thấy COVID-19 đã khiến hơn 5,8 triệu người dân Iran mắc bệnh, trong đó có 124.928 người không qua khỏi. Đến nay, hơn 28,2 triệu người ở quốc gia Trung Đông này đã được tiêm 2 mũi vắc xin.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - Ảnh: REUTERS
New Zealand đã công bố lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa gắn với mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng tham vọng nhất thế giới là 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng. Tính đến ngày 21-10, 83% dân số trưởng thành tại New Zealand đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, trong đó 66% đã được tiêm 2 mũi.
Tại Mỹ, CDC khuyến nghị người dân Mỹ có thể lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng loại vắc xin khác loại mũi tiêm ban đầu của Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson (tiêm trộn). Tính đến nay, tại Mỹ đã có khoảng 170 triệu người tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 của Moderna hoặc Pfizer, chiếm 92% tổng số người đã tiêm chủng tại nước này.
Ngày 22-10, các quan chức y tế Anh cho biết đang nghiên cứu biến thể AY.4.2 - một biến thể của chủng Delta. Chủng Delta chiếm 99,8% ca mắc ở Anh, tính đến ngày 20-10 đã có 15.120 người nhiễm biến thể AY.4.2, tuy nhiên "...chưa thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin hiện đang được triển khai kém hiệu quả hơn".
TTO - Giám sát dữ liệu mỗi ngày cho thấy số ca nhiễm COVID-19 tại huyện Bình Chánh có dấu hiệu tăng. Qua xét nghiệm nhanh hơn 3.000 mẫu tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B ngày 22-10, phát hiện 78 ca dương tính.
Xem thêm: mth.77585407032011202-cut-neil-maig-mch-pt-o-yagn-gnort-gnov-ut-ac-os-01-32-gnas-nit/nv.ertiout