Nông dân trồng lúa điêu đứng do giá phân bón tăng cao trong khi giá lúa không tăng, thậm chí giảm - Ảnh: B.ĐẤU
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Phú An, huyện Phú Tân, An Giang) cho biết dự kiến sẽ không làm vụ thu đông 2021 do giá phân bón đang tăng chóng mặt.
Chẳng hạn phân lạnh (urê) trước đây có giá 350.000 đồng/bao 50kg, nhưng nay đã tăng lên 840.000 đồng/bao. Phân DAP cũng tăng từ 600.000 đồng lên 1,2 triệu đồng/bao. Phân kali cũng tăng lên hơn 750.000 đồng/bao.
Giá "leo thang" sẽ bỏ ruộng
"Phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng giá, nông dân đang khốn khổ. Nếu Chính phủ không có giải pháp, nông dân trồng lúa cầm chắc phần lỗ. Giá lúa lúc nào cũng 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng phân bón lại liên tục tăng.
Chắc vụ đông xuân tới, anh em tụi tui chỉ làm một vụ rồi nghỉ luôn, bỏ đất hoang. Vì làm lúa hay nếp phải mất 3-6 tháng mà không có đồng lời nào thì sản xuất làm gì nữa" - ông Dũng nói.
Tương tự, ông Đỗ Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết đang sản xuất 8ha lúa OM18 được 15 ngày tuổi nhưng rất lo lắng khi thấy giá phân bón tăng quá cao.
"Nếu so sánh cùng kỳ năm trước, các loại phân bón đã tăng 2-3 lần. Nông dân hầu như không ham làm lúa nữa. Nhiều người trồng lúa như tui đều muốn bỏ ruộng vì sản xuất lúa không lời, thậm chí lỗ nặng" - ông Nhơn nói.
Theo tính toán của ông Nhơn, chi phí sản xuất lúa hiện nay trên 3,5 triệu đồng/công (1.000m2). Nếu một công lúa thu hoạch được 800kg lúa và bán lúa với giá 5.000 đồng/kg, nông dân lời được 500.000 đồng sau 3 tháng trồng lúa. Nếu năng suất đạt 600kg/công, nông dân cầm chắc lỗ.
"Các đại lý nói do dịch bệnh nên việc nhập khẩu phân bón gặp khó khăn, phải tăng giá bán phân bón và dự báo tiếp tục tăng. Cứ đà này nhiều nông dân sẽ bỏ ruộng" - ông Nhơn nói.
Sản lượng lúa sẽ giảm mạnh
Theo ông Võ Công Thức - phó giám đốc sản xuất lương thực của Tập đoàn Lộc Trời, về lý thuyết, chi phí đầu vào sản xuất lúa tăng cao thì đầu ra phải tăng theo. Trong khi đó, giá lúa gạo trên thị trường chưa tăng mà chi phí đầu vào sản xuất lúa đã tăng quá cao.
Một số nước bảo hộ cho nông dân thu mua nông sản sau khi thu hoạch, còn Việt Nam rất khó thực hiện được, nhất là sau đợt dịch Covid-19 mới đây.
"Giá phân bón tăng cao như hiện nay chắc chắn sản lượng lúa sẽ sụt giảm. Vì giữ nguyên theo cách sản xuất cũ, chi phí sản xuất sẽ tăng. Còn tối ưu hóa quy trình sản xuất sẽ tiết kiệm chi phí nhưng sản lượng lúa sẽ giảm.
Vấn đề là chi phí đầu vào tăng, chắc chắn giá lúa gạo sẽ tăng nhưng không biết "độ trễ" của việc tăng giá lúa gạo này bao lâu thôi. Vì lúa gạo ít đi, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tăng giá lên để thu mua" - ông Thức nhận định.
Ông Huỳnh Tất Đạt - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết do giá phân bón đã tăng cao nên địa phương này yêu cầu bà con tăng cường ứng dụng các chương trình kỹ thuật sản xuất như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" để tiết kiệm.
"Còn giá cả phân bón khó can thiệp vào được. Các tỉnh ĐBSCL đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm bình ổn giá phân bón giúp nông dân. Vì giá phân bón leo thang như hiện nay khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lúa" - ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giao Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ việc tăng giá, kiên quyết xử lý nghiêm việc tăng giá phân bón bất hợp lý.
"Đồng Tháp có kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đưa mặt hàng phân bón này vào nhóm "bình ổn giá" để giúp nông dân sản xuất ổn định" - ông Đạt nói.
* Ông Trương Thành Dãnh (giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long):
Chính phủ phải ra tay giúp nông dân
Thị trường phân bón hóa học hiện nay không thiếu, không đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, giá phân bón đang bị đẩy lên quá cao trong khi bà con nông dân bị ảnh hưởng sản xuất bởi dịch COVID-19, giá nông sản giảm nên gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tôi, Chính phủ phải ra tay can thiệp, có giải pháp kiềm chế giá phân bón để hỗ trợ bà con nông dân sản xuất chứ cấp địa phương đành bó tay. Riêng góc độ địa phương, ngành nông nghiệp chỉ có thể khuyến cáo, định hướng cho bà con nông dân chuyển sang sử dụng công nghệ sản xuất hữu cơ để giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học.
CHÍ HẠNH
* Ông Nguyễn Văn Hiền (chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang):
Trồng lúa khó có lợi nhuận
Giá phân bón tăng mạnh khiến nông dân trồng lúa khốn khổ, vì chi phí đầu vào tăng quá cao trong khi đầu ra sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa, không tăng.
Theo tôi, Bộ Công thương phải làm việc, có biện pháp buộc các doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất phân bón trong nước giảm xuất khẩu, ưu tiên phân bón phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ và tích trữ, góp phần ổn định giá phân bón.
Với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng như hiện nay, nông dân trồng lúa khó có lợi nhuận được. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bà con tăng cường thực hiện chương trình "1 phải 5 giảm" như giảm giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Đồng thời, phải tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón. Chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, sử dụng phân đơn thay thế phân hỗn hợp để tiết kiệm giảm chi phí...
TTO - Trong khi giá phân bón tăng bất thường dù sản xuất trong nước đáp ứng đến 80% nhu cầu nội địa, các nhà máy sản xuất phân bón vẫn đổ lỗi cho giá nguyên liệu thế giới tăng cao, rồi chi phí vận chuyển bị đội lên do dịch...
Xem thêm: mth.40924603222011202-nob-nahp-iov-gnor-cohk-nad-gnon/nv.ertiout