Vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay 23/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 57,7-58,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 57,4-58,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với chốt phiên trước.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 57,55-58,1 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với chốt phiên trước.
Cùng xu hướng, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng mạnh 170 nghìn đồng hai chiều lên 51,33-51,98 triệu đồng/lượng. Chiều bán ra đã tiệm cận mốc 52 triệu đồng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ lúc này cũng tăng 100 nghìn đồng hai chiều phiên thứ hai liên tiếp lên 51,15-51,85 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Nếu vàng thế giới giữ được thành quả tăng giá, vàng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Vàng thế giới
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 0,9 USD lên 1.783,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 11 trên sàn Comex New tăng hơn 5 USD lên 1.786,6 USD/ounce.
Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước khoảng gần 8,4 triệu đồng/lượng.
Vàng tăng giá mạnh sau khi thị trường đón nhận thông tin ngành sản xuất và dịch vụ của Hoa Kỳ. Cụ thể, phiên thứ Sáu theo giờ địa phương, IHS Markit cho biết, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (MPI) sản xuất sơ bộ của Mỹ trong tháng 10 đã giảm xuống 59,2 điểm từ 60,7 điểm của tháng 9, dữ liệu yếu hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Báo cáo lưu ý rằng hoạt động sản xuất đang ở mức thấp nhất trong 7 tháng.
Trong khi đó, động lực trong lĩnh vực dịch vụ lại tăng lên khi Báo cáo cho biết chỉ số PMI sơ bộ trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên 58,2 điểm từ 54,9 điểm trong tháng 9, cao hơn mong đợi của các nhà kinh tế là 55 điểm. Hoạt động dịch vụ đang ở mức cao nhất trong ba tháng.
"Tháng 10 chứng kiến hoạt động khu vực dịch vụ hồi sinh khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục giảm. Điều này đánh dấu sự khởi đầu mạnh mẽ cho quý IV của nền kinh tế", Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng tiếp tục hạn chế hoạt động kinh tế. "Giá cả nguyên liệu thô là đầu vào cho các nhà máy đã tăng với tốc độ kỷ lục mới, dẫn đến cả giá hàng hoá giao tại cổng nhà máy cũng cao hơn và lan sang làm giá khu vực dịch vụ cao hơn", chuyên gia này nói.
Williamson cũng lưu ý, các doanh nghiệp đồng thời phải trả lương cao hơn để thu hút hoặc giữ lại nhân viên cũng làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Lịch sử cho thấy, các tài sản cứng như kim loại quý trở nên được ưa chuộng hơn như một biện pháp bảo vệ khi giá tiêu dùng và sản xuất tăng.
Các nhà phân tích hàng hóa đã lưu ý rằng, áp lực lạm phát gia tăng đã cứu một thị trường vàng mờ nhạt trong năm nay. Và thời điểm hiện tại, có vẻ như thị trường vàng và bạc cuối cùng đã thức tỉnh do vấn đề tăng lạm phát trên toàn cầu có lẽ sẽ không chỉ là nhất thời.
Dự đoán xu hướng
Giá vàng đang hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp giữa bối cảnh đồng USD suy yếu, được dự báo sẽ chứng kiến mức giảm trong cả tuần này.
Tình hình lạm phát cao sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022 và ngân hàng này sẽ tăng lãi suất vào cuối năm tới. Vàng thường được coi là hàng rào chống lạm phát, mặc dù việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế và tăng lãi suất đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ lên cao, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sỹ) nhận định rằng sự gia tăng trong các dự đoán về lạm phát và sự "hạ nhiệt" các dự đoán về tăng trưởng có thể là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong một, hai tháng tới.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA cho biết, mặc dù vàng tiếp tục đi lên và dường như đang chuẩn bị thử nghiệm ngưỡng 1.800 USD/ounce, song mặt hàng này có thể phải “vật lộn” để duy trì đà tăng trên 1.800 USD/ounce.
Hương Anh (tổng hợp)