Thủ tướng vừa phê quyệt chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai) theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng.
Theo đó, sân bay Sa Pa được xây dựng diện tích 371 ha, trên địa phận xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Giai đoạn 1, bắt đầu triển khai từ năm nay, sân bay được xây dựng theo tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, với công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2, thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục để sân bay Sa Pa đạt công suất 3 triệu khách/năm.
Mô hình sân bay Sa Pa trong tương lai. Ảnh: Báo Lào Cai
Thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa dự kiến 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án này là trên 6.948 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 2.730 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng; nhà đầu tư huy động 4.218 tỉ đồng.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác. Trong đó, có 9 cảng quốc tế gồm: Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 13 cảng quốc nội là Điện Biên, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá và Côn Đảo.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, sân bay Sa Pa khi hoàn thành xây dựng sẽ trở thành cảng quốc nội có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc.