Sáng 23-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phim tư nhân thường chỉ hướng đến lợi nhuận
Đồng tình với tờ trình và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn ĐBQH TP.HCM) đánh giá Luật Điện ảnh ra đời từ lâu khi công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề chưa lường hết được. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ông Phúc cho rằng phải sửa luật này.
Nhấn mạnh về vai trò của điện ảnh đối với sự phát triển đất nước, Chủ tịch nước dẫn chứng nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh quảng bá được hình ảnh đất nước, con người ra thế giới. Những bộ phim của Hàn Quốc như Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum… cách đây 20 năm chiếu ở Việt Nam là dẫn chứng.
“Văn hóa soi đường quốc dân đi”- Chủ tịch nước nói và đặt vấn đề điện ảnh là một loại hình văn hóa nghệ thuật thì có làm được vai trò, nhiệm vụ đó không?
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: HOÀNG HẢI
Theo Chủ tịch nước, làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam. Ông đề nghị khi xây dựng Luật Điện ảnh cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước để có một đạo luật “dài hơi”.
Về chính sách, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đối với điện ảnh nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim. Nhà nước nên đặt hàng và dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.
Liên quan đến chính sách phát hành phim, Chủ tịch nước cho rằng còn thiếu, nhất là quảng bá phim ra nước ngoài, hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (đoàn ĐBQH Quảng Ninh) đề nghị khuyến khích đầu tư phim tư nhân nhưng “phải kiểm soát rất chặt chẽ”. Bởi theo ông, yếu tố quan ngại nhất ở phim tư nhân là người đầu tư thường chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuận, doanh số, thị phần.
“Họ rất chú ý vào các thị hiếu, kể cả thị hiếu tầm thường của người xem. Những phim này thường có rất nhiều yếu tố tiêu cực, kích động bạo lực, hay khoét vào các chuyện như tình, tiền, tù, tội… Tất cả những chữ T này được áp dụng rất nhiều”- ông Thắng nói.
ĐBQH Quảng Ninh khẳng định “nếu không kiểm soát phim tư nhân là không được” nhưng điều đó không có nghĩa là hạn chế tư nhân, vì có nhiều phim tư nhân rất tốt.
Tiền kiểm phim "rất quan trọng"
Phát biểu tại đoàn ĐBQH Lào Cai, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà quan tâm đến việc phân loại phim theo độ tuổi. “Chúng ta đã có quy định phân loại phim theo độ tuổi nhưng rõ ràng trong thực tế có nhiều bộ phim không thể xếp loại vì những quy định ngặt nghèo.
Vì vậy, nhiều bộ phim có giá trị đã bị cấm, không thể công chiếu, gây đáng tiếc với người làm phim nói riêng và nền điện ảnh nói chung”- bà Hà nói và cho rằng ngoài phân loại phim theo độ tuổi trên 18 tuổi thì có những bộ phim quy định “trần” cao hơn như 21, 24, 25 tuổi.
ĐBQH Lê Thu Hà. Ảnh: quochoi.vn
Nhắc đến đối tượng tham gia và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh là các diễn viên, bà Hà cho hay theo dõi trên các phương tiện truyền thông vừa qua thấy Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ nhằm loại bỏ những “ngôi sao có lối sống lệch chuẩn” để nghệ sĩ phải trau dồi kỹ năng.
“Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình. Nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”- Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại nêu ý kiến.
Bà Hà sau đó đề xuất cần có quy định về dừng chiếu hoặc rút phép các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ không có đạo đức, vi phạm đạo đức, an ninh chính trị.
Về thẩm định bộ phim có phù hợp để ra mắt hay không, bà Hà cho rằng đây là khâu rất quan trọng để loại bỏ những tác phẩm không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên thực tế cũng gây ra nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực và thiếu minh bạch với các nhà làm phim.
Bà Hà dẫn chứng bộ phim “Vị” đã bị cấm chiếu dù giành nhiều giải thưởng uy tín tại các Liên hoan phim quốc tế, hay có những tác phẩm đã bị “treo” do không chấp nhận yêu cầu thay đổi tác phẩm, khiến những nhà đầu tư và nhà sản xuất gặp khó khăn, thậm chí phá sản.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn ĐBQH Hưng Yên) đánh giá việc quản lý phim trên không gian mạng là điều quan trọng. Dự thảo quy định theo hướng hậu kiểm nhưng nếu chỉ quy định hậu kiểm và gỡ bỏ thì chưa ổn bởi trước khi gỡ bỏ, phim đã tồn tại khá lâu, có hàng triệu người xem.
Tuy nhiên ĐB cũng cho rằng quá trình tiền kiểm tạo áp lực rất lớn cho cơ quan chức năng vì số lượng phim rất lớn. Nếu tiền kiểm, kiểm soát chặt thì nguồn lực chưa chắc đáp ứng được.
Đánh giá việc tiền kiểm "rất quan trọng", bà Mai dẫn chứng thời gian qua, có những sơ sót của cơ quan thẩm định trong việc duyệt cấp phép phổ biến, có hình ảnh không phù hợp như phim “Người tuyết bé nhỏ” để lọt hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp.
ĐB Hưng Yên đề nghị nên có giải pháp thích hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm với phim phổ biến trên mạng, tiền kiểm đến đâu, hậu kiểm đến mức độ nào để tránh lọt phim không phù hợp trên mạng.