Diễn đàn kết nối cung - cầu về hàng hóa, nông sản giữa thủ đô và các tỉnh trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nâng tầm chất lượng nông sản nội địa
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) - ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định: Bộ NNPTNT đang nỗ lực triển khai kết nối giữa khâu sản xuất và tiêu dùng, cung ứng sản phẩm, triển khai mọi giải pháp để người dân trong nước được sử dụng hàng hóa, nông sản có chất lượng tương đương hàng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như Tiệp cũng không né tránh về vấn đề an toàn thực phẩm đã từng gây bức xúc đối với người tiêu dùng trong nước cách đây 5-6 năm. Đến nay, Bộ NNPTNT đã triển khai chương trình phối hợp, phát triển rau an toàn, chuỗi cung ứng cho thủ đô và kết quả đạt được đã rất rõ nét.
Tại phiên thứ 8 diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố" tổ chức ngày 23.10, chia sẻ về nhu cầu và khả năng tự cung ứng các mặt hàng nông sản trên địa bàn thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: Nhu cầu về gạo là 92.970 tấn, khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu; về thịt lợn hơi: 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu; thịt bò: 5.350 tấn, khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu; thịt gia cầm 6.198 tấn, khả năng tự cung ứng 10.671 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh 5.350 tấn, khả năng tự cung ứng 10.350 tấn… Lượng hàng hóa còn thiếu hiện đang được các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... khai thác từ các tỉnh, thành phố như Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai…
Bà Lan cũng cho rằng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa, nông sản của người tiêu dùng thủ đô khá cao, trong thời gian qua, nhiều nông sản của một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này nên mức tiêu thụ còn hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng.
Các tỉnh sẵn sàng nguồn hàng cung ứng cho Hà Nội
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, Bắc Kạn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội và cả nước biết đến như tinh nghệ, bí xanh, bí thơm, măng khô, miến… để cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh.
Còn theo ông Phan Văn Tân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận hiện có 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thanh long, thuỷ sản và nước mắm, đủ năng lực cung ứng không chỉ cho Hà Nội mà còn nhiều tỉnh trên cả nước.
“Chúng tôi mong muốn Hà Nội có kế hoạch kết nối, số liệu cụ thể về nhu cầu tiêu thụ theo từng thời điểm trong năm để Bình Phước chủ động cung ứng, đảm bảo kiểm soát chặt an toàn thực phẩm…” – ông Phan Văn Tân nói.
Đại diện các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Sóc Trăng… đều bày tỏ mong muốn được kết nối, cung ứng sản phẩm, hàng hoá nông sản đặc sản chất lượng cao cho người dân thủ đô.
Theo ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang có 4 vùng sinh thái, trong đó có ngọt lợ, có lợ mặn, có phèn mặn, có vùng hải đảo. Mỗi năm tỉnh Kiên Giang sản lượng từ trồng trọt đạt trên 4 triệu tấn, sản lượng thủy sản hơn 1 triệu tấn. Sản phẩm của Kiên Giang hiện tiêu thụ chủ yếu tại TPHCM, chưa ra thị trường Hà Nội nhiều, cần được kết nối, tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Dương Văn Lượng cũng thông tin, toàn tỉnh có 76 sản phẩm được phân hạng OCOP 3 đến 4 sao, trong đó 2 sản phẩm đã được Bộ NNPTNT chứng nhận OCOP 5 sao.
"Thái Nguyên đang triển khai đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao 154ha, mong nhận được sự quan tâm của Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp trong cả nước đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" - ông Dương Văn Lượng chia sẻ.
Sáng 23.10, tại diễn đàn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố" đã diễn ra lễ ký kết Chương trình hợp tác “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021- 2025” giữa UBND TP.Hà Nội và Bộ NNPTNT.
Xem thêm: odl.557669-od-uht-nad-iougn-ned-oac-gnoul-tahc-nas-gnon-aud-uac-gnuc-ion-tek/et-hnik/nv.gnodoal