Theo Sở Công thương Hà Nội, dự báo nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp cho Thành phố sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản
Phát biểu tại diễn "Chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố" sáng 23/10, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô là một trong thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng, miền trong cả nước.
Trong khi đó, Hà Nội mới tự sản xuất, cung ứng được 30 - 65% nhu cầu nông sản và nguồn cung nông sản thiết yếu cho Hà Nội dự báo sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó, Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phố phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và triển khai kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu phục vụ 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố một tháng gồm: Gạo 92.970 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 65,6% nhu cầu); thịt lợn hơi 18.594 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu); thịt bò 5.350 tấn (khả năng tự cung ứng 1.032 tấn, đáp ứng 19,3% nhu cầu); thịt gia cầm 6.198 tấn (khả năng tự cung ứng 10.671 tấn); rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 65,1% nhu cầu); trái cây 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng 15.000 tấn, đáp ứng 28,8% nhu cầu); trứng gia cầm 123,9 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu)...
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản hiện nay giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn nên Sở Công Thương Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Vì vậy, Hà Nội mong muốn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai kế hoạch phục vụ Tết và kết nối cung cầu nông sản; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Sẵn sàng cung ứng, kết nối tiêu thụ
Tại các tỉnh phía Bắc, nguồn cung nông sản hiện khá lớn và phong phú chủng loại, nhất là các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến. Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã sản xuất số lượng lớn nông sản đặc sản địa phương như bí xanh, măng khô, miến dong… Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ gần 700 tấn bí xanh thơm.
Sắp tới tỉnh có 25.000 tấn cam, quýt và 2.000 tấn miến dong cần tiêu thụ. Để giữ mối liên hệ giao thương nông sản với các địa phương, Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản qua các sàn giao dịch điện tử và các trang web, qua đó kết nối tiêu thụ với 56/63 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó trọng điểm là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, hiện tỉnh đang có 185 chuỗi liên kết với 18.500 hộ nông dân, diện tích 2.500 ha để sản xuất chế biến 400.000 tấn nông sản trong 3 tháng cuối năm.
Hiện tỉnh đã chủ động liên kết thị trường để tiêu thụ nông sản nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Lâm Đồng còn hơn 1 triệu tấn rau củ, 12.000 tấn bơ, 20.000 tấn sầu riêng và 150.000 tấn cà phê cần tiêu thụ sớm nên rất sẵn sàng kết nối tiêu thụ với Thành phố Hà Nội.
Ngoài Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long với đa dạng nông sản cũng đang đẩy mạnh kết nối cung -cầu với các tỉnh, thành, nhất là thời điểm cuối năm và khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng xác định thế mạnh là nuôi trồng thuỷ sản, lúa gạo và cây ăn trái. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000 ha.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng có vùng lúa - tôm với diện tích khoảng 10.000 ha, kết hợp nuôi tôm và trồng lúa ST24, ST25 chất lượng cao. Diện tích trồng cây ăn trái khoảng 28.000 ha, chủ yếu là xoài, nhãn và vú sữa. Ngoài ra còn có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Do đó, ông Vương Quốc Nam đề nghị các địa phương và Hà Nội có sự liên kết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để tiêu thụ nông sản cho Sóc Trăng.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành cũng như tinh thần sẵn sàng cung ứng, kết nối tiêu thụ với Thành phố Hà Nội trên cơ sở bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. Thứ trưởng đề nghị các tỉnh chỉ đạo các đầu mối nông sản cung cấp thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội để các bên nắm được đầy đủ số liệu cung-cầu.
Hà Nội dành 39.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng Tết
Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4434/KH- SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Hà Nội xác định nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch gồm: Mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm: nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch: khẩu trang kháng khuẩn, nước rửa tay sát khuẩn.
Sở Công Thương Hà Nội dự báo, khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị trong dịp Tết 2021 đối với khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp, trong dịp Tết 2022 hoạt động mua sắm hàng hoá tại các điểm kinh doanh sẽ thu hút đông người dân mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Vì vậy, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị phương án đảm bảo hàng hoá sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn theo các cấp độ diễn biến của dịch.
Hiện, Hà Nội có 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ truyền thống và 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, còn có các kênh bán hàng đa phương tiện: bán hàng qua website, hotline, app…với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh.
Đào Vũ (Theo báo Nhân Dân, Tiền Phong, VOV)