Ở Ordos, Nội Mông (Trung Quốc), những chiếc máy bay không người lái lao vun vút trên nhiều con đường đang tắc nghẽn. Trong khi đó, các sĩ quan cảnh sát đang cố gắng điều phối hàng trăm xe tải chở đầy than trong suốt nhiều ngày.
Tình trạng tắc nghẽn đã làm gián đoạn thành phố là trung tâm khai thác than quan trọng nhất trên thế giới. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro to lớn, khi đang nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng. Một số nhà kinh tế cảnh báo những khó khăn này có thể kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu.
Trong hơn 1 tháng, tình trạng khan hiếm năng lượng đã lan tràn ra khắp các trung tâm sản xuất thép, nhôm và xi măng của Trung Quốc. Giá than - loại nhiên liệu sản xuất gần 2/3 lượng điện cả nước, cũng tăng chóng mặt. Khi mùa đông đang đến gần, nhu cầu có khả năng tăng mạnh và giới chức Trung Quốc đang từng bước can thiệp.
Đảo ngược mục tiêu giảm phát thải
Bắc Kinh đang đảo ngược những nỗ lực hướng tới mục tiêu năng lượng sạch và các tiêu chuẩn an toàn khi "hồi sinh" các mỏ than cũ và bẩn, giữ giá điện trong tầm kiểm soát cho các khu công nghiệp. Ngoài ra, quốc gia này cũng cân nhắc tăng nhập khẩu nhiên liệu nước ngoài dù mối quan hệ thương mại với những nước như Úc và Mỹ vẫn căng thẳng. Dù vậy, những biện pháp này dường như vẫn không đủ quyết liệt.
Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty khai thác than dùng mọi cách để thúc đẩy sản lượng, kêu gọi cung cấp hơn 12 triệu tấn nhiên liệu mỗi ngày trong 3 tháng cuối năm. Con số này tương đương với 100 triệu tấn bổ sung, gần bằng số lượng Glencore sản xuất mỗi năm.
Tracy Liao - nhà phân tích của Citigroup, cho biết: "Trung Quốc có thể chứng kiến tình trạng thiếu điện trong mùa đông, ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2010. Điều này sẽ làm tăng rủi ro lạm phát kèm suy thoái và áp lực tăng trưởng với nền kinh tế Trung Quốc cũng như toàn cầu. Giá năng lượng sẽ tăng cao hơn và lĩnh vực hàng hóa sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt trên quy mô rộng hơn.
Các nhà quản lý cấp cao từ State Power Investment Corp. - một trong những công ty điện lực lớn nhất Trung Quốc, đại diện tỉnh Quý Châu và nhà cung cấp than Shenhua Energy đã có cuộc gặp vào cuối tháng trước. Mục đích chỉ là tăng sản lượng thêm 30.000 tấn khi hãng khai thác cho biết không thể đảm bảo sản lượng tăng quá cao.
Các công ty điện lực ở những khu vực khác phải "chạy đôn chạy đáo" giữa các mỏ để nỗ lực đảm bảo nguồn cung và đáp ứng yêu cầu của chính phủ về việc các nhà máy than phải duy trì lượng nhiên liệu đủ trong 7 ngày. Ngay cả những công ty chấp nhận mức giá cao cũng cảm thấy chán nản, bởi lượng than được khai thác là không đủ.
Trung Quốc tăng sản lượng than bất chấp mục tiêu giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2026. Đây là quốc gia có lượng phát thải lớn duy nhất ghi nhận mức phát thải cao hơn vào năm 2020 so với 1 năm trước. Đây cũng là một vấn đề khi các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ bắt đầu trong vài ngày tới.
Đề xuất nối lại hoạt động nhập khẩu với Úc
Ở Nội Mông, việc mở rộng hoạt động hơn 70 mỏ than đã được phê duyệt trong tháng này. Theo nguồn tin thân cận, những công việc thường mất hàng tháng để thực hiện nay phải được giải quyết chỉ trong 1 tuần. Những nhiệm vụ đó bao gồm lên kế hoạch tăng công suất mà không gây lở đất tại những hố khai thác lộ thiên.
Một số giám đốc điều hành của ngành này cảnh báo việc thúc đẩy sản lượng có thể sẽ phải trả giá… bằng mạng sống. Một yếu tố làm giảm nguồn cung ở Trung Quốc là họ buộc phải đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn khắt khe hơn, sau một loạt sự cố đáng tiếc ở những khu khai thác. Việc mở cửa những khu mới cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn.
Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy những biện pháp này đã có hiệu quả. Tại Ordos, sản lượng khai thác đã tăng khoảng 11% so với tháng trước và trong 1 số ngày gần đây, khu vực này đã sản xuất lượng than nhiều nhất trong các trung tâm khai thác. Các mỏ không hoạt động sẽ khởi động lại chỉ trong vài tuần và một số địa điểm sẽ khai thác công suất chưa sử dụng.
Công nhân kiểm tra máy cắt than tại Ordos.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác vẫn cần tăng với tốc độ nhanh hơn để bắt kịp nhu cầu. Một số người trong ngành ước tính chênh lệch giữa cung và cầu than ở Trung Quốc trong năm nay sẽ ở khoảng 350-400 triệu tấn.
Hiện tại, lượng nhập khẩu than từ Indonesia đang tăng và một số nhà quan sát dự đoán nguồn cung từ Mông Cổ cũng cao hơn. Một số quan chức Trung Quốc đã đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia, dù chưa được chấp thuận trong bối cảnh mối quan hệ 2 nước chưa có chuyển biến tích cực.
Song, lượng than nhập khẩu từ nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu của Trung Quốc. Tổng lượng nhập khẩu đạt khoảng 304 triệu tấn trong năm ngoái, khi sản lượng trong nước là khoảng 3,8 tỷ tấn.
Do đó, Yu Zhai - nhà phân tích của Wood Mackenzie, nhận định các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở Trung Quốc vẫn gặp khó khăn, sản lượng của các ngành như thép và xi măng có thể giảm 30% vào cuối năm nay.
Ngoài ra, giá điện cao hơn cũng tăng áp lực lạm phát đối với các nhà máy Trung Quốc. Trong khi đó, việc kiểm soát đà tăng của giá than chỉ mang lại một phần hiệu quả.
Hợp đồng tương lai than bắt đầu giảm sau khi tăng tức mức 131 USD/tấn đầu tháng 9 lên hơn 300 USD/tấn vào đầu tuần này. Tuy nhiên, giá thực tế vẫn ở mức cao kỷ lục và khó thay đổi trong bối cảnh khan hiếm vẫn tiếp diễn.
Điều này khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc vào việc những thợ mỏ "đua nhau" đào than nhiều như thế nào. Hơn nữa, mùa đông lạnh giá có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Khi các xe tải xếp hàng dài ở các mỏ tại Nội Mông, nhiều người ở nơi khác trong khu vực vẫn phải bật hệ thống sưởi sớm hơn trước đây do tuyết rơi.
Tham khảo Bloomberg