Khu nhà trọ của anh Lê Thanh Vũ ở xã Bà Điểm (Hóc Môn) nhiều người đã về quê, anh sơn sửa bên trong những phòng trống, sẵn sàng đón khách - Ảnh: VŨ THỦY
Cả dãy trọ chia làm ba tầng lầu với khoảng sân rộng vắng hiu hắt buổi trưa thứ năm. Hơn chục phòng trọ chỉ có hai phòng không khóa cửa. Chủ nhà trọ đang tranh thủ sơn sửa lại phòng cho tươm tất chờ đón khách.
Sửa sang phòng trọ trống
Chưa biết tình hình khi nào sẽ tốt lên nhưng hơn một tuần qua, anh Lê Thanh Vũ - chủ trọ tại xã Bà Điểm (Hóc Môn) và hai người thuê trọ là thợ xây, phụ hồ vẫn đang thất nghiệp cùng nhau dọn dẹp, sửa sang lại gần 20 căn phòng trọ trống.
"Có người đã ở đây 5-6 năm liền rồi, mùa dịch này không trụ nổi mới trả phòng về quê. Giờ phòng trống, tôi tranh thủ tân trang, làm lại đường nước... cho tươm tất chờ ngày đón khách", anh Vũ kể.
"Mọi người quanh đây về nhiều rồi, mấy bữa nay vắng lắm. Mấy phòng còn ở lại thì giờ họ cũng đi làm" - chị Nguyễn Thị Lẹ (21 tuổi, quê Bình Định) chỉ ra mấy căn phòng trọ cửa đóng then cài mấy tuần nay. Chị Lẹ là một trong nhiều hộ thuê trọ đã cố gắng bám trụ lại đây suốt bốn tháng dịch vừa qua.
"Tôi thất nghiệp ở nhà trông con. Nhưng nhà tôi may mắn vì thời gian dịch chồng làm "3 tại chỗ" trong công ty may, hàng không đều nhưng vẫn còn thu nhập. Hàng xóm cạnh nhà tôi đã trả phòng về Bắc Giang, nói là về ở luôn. Hai vợ chồng họ, người làm bảo mẫu, người làm tự do nuôi hai đứa con nên dù giờ người chồng đã đi làm được nhưng cũng không lo nổi nên đành về", chị Lẹ kể.
Có 54 phòng trọ nhưng đến nay phân nửa số phòng trọ của gia đình anh Vũ Văn Xuân (ngụ Linh Trung, TP Thủ Đức) đã vắng người. "Hồi tháng 6, tháng 7 thì chỉ có 5-6 phòng trả về quê thôi. Đến tháng 10 thì thêm mấy chục phòng trả về một lúc. Nhiều người được hỗ trợ đợt 3, mỗi người 1 triệu nhưng họ cũng không đợi mà về luôn", anh Xuân kể.
Hỏi thăm những người về, anh Xuân cũng chưa biết khi nào mới có nhiều người quay lại thành phố nhưng anh vẫn tranh thủ sửa sang lại số phòng trống. "Nhiều người ở lâu rồi, khách đi trả phòng cũng cũ kỹ, xập xệ nhiều nên phải sửa. Chưa biết khi nào có người thuê nhưng mình cũng luôn trong tâm thế chờ người đến", anh nói thêm.
Cứ vào đi rồi tính
Đó là câu trả lời của các cô chú chủ nhà trọ khi người thuê gọi lên thăm hỏi tình hình và ngỏ ý quay lại. Suốt thời gian dịch bệnh, hầu hết các chủ nhà trọ đều giảm tiền phòng. "Những người còn ở đây thì tôi giảm tiền phòng nhưng nhiều người vẫn còn thiếu tiền đó, hầu hết đâu có thu được.
Giờ mình cũng chờ khi nào người ta đi làm lại có lương rồi trả" - chú Lê Quang Tỉnh, chủ nhà trọ ở phường Linh Trung (TP Thủ Đức), chia sẻ. Ở dãy trọ của chú, nhiều người về quê vẫn còn để đồ lại.
"Một số ở Bình Định đang tính vào. Mấy tháng liền người thuê trả phòng, số còn lại thì giảm tiền phòng, thiếu nợ nên mình phải gồng lắm. Nhưng tôi nói họ cứ vào đi rồi xem công ăn việc làm tới đâu, có lương thì thanh toán. Đồ đạc họ còn đây, mấy tháng không ở chắc xem như xí xóa", chú Tỉnh bảo.
Suốt mùa dịch kéo dài bốn tháng, anh Vũ Văn Xuân cũng tất tả lo gạo, mì để người ở lại "ít nhất không thiếu đói". Anh chi khoảng 40 triệu đồng mua mì, gạo... cho các phòng rồi còn dặn cả tiệm tạp hóa đầu hẻm là nếu có người thuê trọ ra mua mì, mắm muối thiếu "thì cứ bán thiếu cho người ta", anh sẽ thanh toán sau.
"Nhiều người về quê để phòng lại 4-5 tháng qua đâu có trả tiền. Xe máy để lại mình vẫn giữ ở đây. Dịch giã vậy, tìm cách giúp nhau chứ "mặt trái, mặt phải" làm khó nhau chi. Nếu họ vào, khó khăn quá thì cũng chờ họ đi làm có tiền rồi tính", anh Xuân chia sẻ.
Người ở trọ khó khăn nhưng không ít chủ nhà trọ cũng khổ không kém khi vẫn đang gánh nợ ngân hàng và việc trả nợ phụ thuộc vào tiền cho thuê trọ. "Khu trọ tôi chủ yếu là dân văn phòng, giá phòng khá cao so với mặt bằng chung.
Dịch đến, người ở chuyển đi nhiều đã thất thu một khoản. Tôi giảm tiền phòng 50% nhưng nhiều người vẫn không chịu nổi. Giờ có người mới thuê thì tôi vẫn giảm tiền phòng, khó khăn quá cho thiếu nợ, đi làm có tiền trả" - cô Hương, chủ một khu trọ 30 phòng, cho biết.
Không ít người ở trọ khó khăn đã được chủ nhà trọ trợ giúp khi quay lại. Chị Trần Ngọc Loan (28 tuổi, quê Tây Ninh) đã lên khu trọ ở TP.HCM ngay ngày 1-10, khi thành phố gỡ bỏ giãn cách nhưng còn kẹt việc, chưa đóng tiền phòng.
"Tôi phụ bán hàng mà lên đây cửa hàng kẹt mặt bằng nọ kia đâu đã bán được nên vẫn ở nhà hơn 20 ngày qua. Tiền trọ tháng này chủ nhà vẫn giảm cho 300.000 đồng còn chừng hơn triệu nhưng cũng đâu đóng được. Chủ nhà đồng ý cho thiếu khi nào có tiền thì gửi", chị Loan bộc bạch.
Chủ trọ miễn 100%, cho thêm tiền và không ai rời đi
Chú Lê Tấn Giảng đã hỗ trợ miễn tiền thuê nhà nhiều tháng qua cho người ở trọ - Ảnh: VŨ THỦY
Mấy tháng liền, chủ trọ miễn 100% tiền phòng, cho thêm tiền, dãy trọ giữ nguyên quân số - đó là câu chuyện ở dãy trọ của chú Lê Tấn Giảng (78 tuổi) ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Khi rất nhiều người thuê trọ tháo chạy về quê vì không trang trải nổi tiền phòng thì 15 phòng trọ với người thuê từ khắp các tỉnh của chú đều ở lại bám trụ.
Đến dãy trọ của chú vào một buổi chiều đầu tuần, chú Giảng phấn khởi thông báo: "Nay mọi người đều đi làm hết, giờ cũng đỡ lắm rồi". Dãy trọ ở trong, còn chú Giảng ở phòng đầu tiên trong số những phòng trọ đó để trông coi.
Suốt bốn tháng mùa dịch, tháng 6 chú giảm một nửa tiền phòng. Những tháng sau đó và đến tận tháng 10 khi thành phố đã gỡ giãn cách, chú Giảng đều giảm 100% tiền phòng cho người thuê trọ.
"Ở đây toàn công nhân, bốn tháng vừa rồi đâu có người nào đi làm! Có người hết tiền, muốn đi ra ngoài gặp người nhà vay mượn cũng đâu đi được. Tôi lớn tuổi rồi, không có gì giúp họ nên làm được gì là làm", chú tâm sự.
Không chỉ giảm tiền phòng cho người thuê trọ, đầu tháng 10 chú Giảng còn gom một số tiền dành dụm được, kêu gọi thêm con cái đóng góp rồi phát cho mỗi người ở trọ trong dãy trọ của chú và dãy trọ bên cạnh mỗi người 200.000 đồng.
"Tôi là người miền Trung, xuất thân là người lao động lăn lộn mưu sinh ở thành phố nên hiểu cái khổ của người dân lao động. Mấy tháng dịch ai cũng khó khăn. Tôi với các con chỉ muốn góp một hạt cát giúp đời", chú bảo.
Tuổi đã cao nhưng suốt mấy tháng dịch giã chú cũng lăn lộn hỗ trợ phường lãnh gạo, lãnh quà phát cho người dân xóm trọ mình và những hộ khó khăn. "Vợ chồng tôi thất nghiệp suốt mấy tháng nay, mới đi làm được 5-6 bữa nay.
Quanh đây người ta về nhiều lắm nhưng vợ chồng tôi may mắn được chú Giảng miễn đóng tiền phòng mấy tháng nay. Ăn uống thì chú với phường cho gạo, cho rau, không sợ đói. Bởi vậy cũng đỡ lắm. Giờ thành phố mở cửa, bắt đầu có công việc lại rồi nên cũng ráng bám trụ" - chị Đặng Hữu Lợi (36 tuổi, quê Thanh Hóa) bộc bạch.
Gia đình chị Mai Thị Lê (quê Bình Phước), một hộ thuê trọ khác trong dãy trọ, thậm chí xin nợ cả tiền điện, nước.
"Chú Giảng giảm hết tiền phòng, chỉ đóng tiền điện, nước thôi nhưng cũng xin thiếu lại, qua dịch đi làm có tiền trả lại sau", chị Lê chia sẻ có chút ngại ngùng. Chồng chị làm bảo vệ trường mầm non, chị làm phụ quán nên cả hai thuộc diện thất nghiệp sớm nhất và cũng được thông cảm "hết nấc".
"Ở chỗ khác chắc bị đuổi rồi. Còn ở đây bốn tháng rồi chưa đóng tiền. Cũng trình bày với chú Giảng hoàn cảnh như vậy. Rồi chú nói thôi kệ đi, cứ ở chờ mai mốt đi làm có tiền rồi có nhiêu trả nhiêu. Vậy nên ở đây không ai dọn đi đâu cả", chị Lê cho biết.
Mấy tháng mùa dịch không có đồng lương, nhờ có chú Giảng giảm tiền phòng, liên hệ phường cho gạo, cho rau, lãnh tiền hỗ trợ, hai đứa con chị Lê "con nhà nghèo cũng dễ ăn" nên cả nhà chị bám trụ được đến giờ này.
TTO - Trước nhu cầu cấp thiết về nhà trọ để thu hút công nhân trở lại TP.HCM sản xuất và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, doanh nghiệp đã kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nhà trọ, nhất là đối với những công ty đông công nhân.
Xem thêm: mth.93465438042011202-hcahk-nod-ohc-ort-ahn-gnas-aus/nv.ertiout