Trong tuần này, giá vàng quốc tế có thời điểm tăng lên tới mức 1.814USD/oz, nhưng sau đó giảm mạnh xuống tới mức 1.784USD/oz và đóng cửa ở mức 1.794USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo giá vàng quốc tế khi có thời điểm lên tới mức 58,3 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống mức 57,9 triệu đồng/lượng và lại tăng lên 58,1 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng quốc tế tăng mạnh lên 1.814USD/oz là do nỗi lo lạm phát toàn cầu gia tăng. Lạm phát không chỉ tăng mạnh ở Mỹ, mà còn tăng mạnh ở nhiều quốc gia khác, như CPI tháng 9 của Canada đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 2/2003; hay như CPI tháng 9 của Anh đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều mức mục tiêu của NHTW Anh…
Nỗi lo nói trên đã được xoa dịu phần nào khi tại Hội nghị trực tuyến do NHTW Nam Phi tổ chức mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng FED đang chuẩn bị thực hiện lộ trình thu hẹp Chương trình nới lỏng định lượng (QE) và tiến tới rút hẳn chương trình này vào giữa năm tới. Do đó, áp lực lạm phát sẽ giảm dần xuống còn 2%. Bình luận này của Chủ tịch FED đã khiến giá vàng giảm hơn 30USD mỗi ounce.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát ở Mỹ và nhiều quốc gia khác chủ yếu do chi phí đẩy (khủng hoảng năng lượng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thiếu hụt lao động), chứ không phải do cầu kéo. Do đó, dù FED siết chặt tiền tệ thì lạm phát chưa thể hạ nhiệt ngay. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự báo áp lực gia tăng lạm phát sẽ còn kéo dài đến hết năm 2022, thậm chí sang cả năm 2023.
Một tín hiệu đáng chú ý trong tuần này là kỳ vọng lạm phát đang gia tăng mạnh trên thị trường trái phiếu khi lợi suất hòa vốn của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 5 năm (chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ và lợi suất trái phiếu chính phủ điều chỉnh theo lạm phát -TIPS) đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2004. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang lo ngại áp lực lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới và vai trò trú ẩn của vàng cũng sẽ tăng cao hơn nữa.
Mặc dù vậy, giá vàng vẫn đang chịu một số sức ép ngắn hạn. Thứ nhất, Bitcoin, được ví như vàng 2.0 vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhất là sau khi quỹ đầu tư ETF Bitcoin được thành lập. Điều này cũng đã làm giảm sự hấp dẫn của vàng. Thứ hai, dù đại dịch đã và đang làm suy giảm mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng chứng khoán ở nhiều quốc gia vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, dòng vốn chảy vào vàng cũng suy giảm. Thứ ba, đồng USD vẫn tiếp tục tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt (chỉ số USD đã ở trên mức 93 điểm), cũng tác động tiêu cực đến giá vàng.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cũng cho rằng dù lạm phát tăng đang làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn, nhưng giá vàng vẫn đang đối mặt với “cơn gió ngược” từ Bitcoin, chứng khoán và đồng USD. Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất sụt giảm do kinh tế nhiều quốc gia suy giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến giá vàng. Do vậy, giá vàng ngắn hạn cần vượt qua và đóng cửa trên mức 1.835USD/oz, thì mới thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư. “Một khi giá vàng vẫn cứ lình xình dưới mốc này như thời gian vừa qua, thì sẽ khó tăng mạnh trong ngắn hạn”, ông Colin nhấn mạnh và cho biết thêm, triển vọng tăng giá vàng trong trung và dài hạn vẫn đang được duy trì.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố số liệu GDP quý 3 dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng tới 6,7% trong quý 2, do biến thể Delta đã làm suy kiệt kinh tế Mỹ. Nếu GDP giảm mạnh hơn dự báo, sẽ làm suy yếu USD, qua đó hỗ trợ cho giá vàng tuần tới. Ngoài ra, Mỹ còn công bố chỉ số quan trọng khác là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE - chỉ số đo lường lạm phát ưa chuộng của FED) dự kiến tiếp tục tăng.
Ngoài ra, NHTW Châu Âu (ECB) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần tới. Hiện EUR đang suy giảm so với USD và một số đồng tiền chủ chốt khác. Có vẻ như ECB đang rất muốn EUR yếu để kích thích xuất khẩu của khối này. Do đó, nhiều khả năng ECB sẽ không có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ nào ở cuộc họp này. Điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến EUR, cũng như giá vàng tuần tới./.
Xem thêm: lmth.80670000042210202-oan-eht-es-iot-naut-gnav-aig-tahp-gnub-tahp-mal/nv.semitaer