Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị đánh giá 4 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” theo hình thức trực tuyến. Đây là Hội nghị cuối cùng để ngành thủy sản nhìn lại những tồn tại, khó khăn trong việc gỡ “thẻ vàng” trước khi phái đoàn EC tiến hành họp bàn với Việt Nam vào ngày 27/10 tới đây.
Bên lề Hội nghị, Người Đưa Tin đã có trao đổi nhanh với bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản).
Nhiều tình huống pháp lý được đặt ra
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa bà, thực trạng hiện nay, Việt Nam có nhiều vùng biển bị coi là chồng lấn với vùng biển nước ngoài. Vậy đối với những thủy sản khai thác tại những vùng biển trên, công tác truy xuất nguồn gốc, xuất xứ được quy định ra sao?
Bà Phan Thị Huệ: Vấn đề này đã được các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam đưa ra trong các buổi thảo luận với EC. Ban đầu, EC không chấp nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại đây, cho rằng tàu cá nước ta đang xâm phạm vùng biển nước ngoài nhưng sau những bằng chứng phía Việt Nam đưa ra về tình trạng tàu cá bị bắt giữ khi đang khai thác trong vùng biển chồng lấn, EC đã chia ra làm 2 nhóm vấn đề, thủy sản khai thác tại vùng biển đã được phân định rõ ràng và vùng biển chồng lấn.
Đối với vùng chồng lấn, EC cho biết sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này và yêu cầu phía Việt Nam tiếp tục theo dõi, tổng hợp lại để thực hiện giám sát trong thời gian tới.
Việt Nam chúng ta khẳng định chủ quyền tại những khu vực biển chồng lấn, vì vậy, nguồn gốc khai thác thủy sản tại đây được coi là hợp pháp.
NĐT: Đó là về phía quốc tế nhưng trong quá trình truy vết theo định vị, giám sát hành trình, nếu các cơ quan quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản địa phương phát hiện tàu khai thác tại khu vực biển chồng lấn thì có bị coi là vi phạm?
Bà Phan Thị Huệ: Dựa trên bản đồ giám sát tàu cá do Hội Nghề cá và Bộ Ngoại giao cung cấp, hệ thống định vị VMS coi những khu vực biển chồng lấn thuộc chủ quyền Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng sẽ không coi đây là lỗi vi phạm.
Người Đưa Tin: Hiện nay, tàu cá Việt Nam thường tổ chức khai thác theo tổ, đội. Nếu có tình huống, các tàu vi phạm IUU chuyển thủy sản khai thác được sang một tàu khác để hợp pháp hóa nguồn gốc. Đối với trường hợp này, các cơ quan quản lý Nhà nước có biện pháp gì để xác định và xử lý?
Bà Phan Thị Huệ: Các tàu cá trước khi xuất bến đều phải khai báo, ghi lại nhật ký khai thác, nếu có chuyển tải thì phải ghi Nhật ký chuyển tải. Tất cả các Nhật ký đó sẽ được cơ quan chức năng tại cảng thu thập, kiểm soát.
Trong quá trình kiểm tra, các Chi cục Thủy sản sẽ kiểm tra dữ liệu VMS tàu cá, rà soát xem có cặp gần với tàu nào không, ghi chép Nhật ký khai thác có trùng khớp với thể loại hải sản lên bến, đối chiếu Nhật ký 2 tàu…từ đó đưa ra kết luận.
Nếu phát hiện ra tình trạng chuyển tải, tàu cá sẽ bị xử phạt rất nặng theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Người Đưa Tin: Xin cám ơn bà!.
Nỗ lực gỡ “Thẻ vàng” EC, còn lắm chông gai
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá 4 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, kể từ khi bị Ủy ban Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” ngày 23/10/2017, Chính phủ; Hiệp hội và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục lệnh hạn chế này.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc công ty TNHH Hải Nam, Phó Chủ tịch VASEP nhận định, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Trong 20 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU đã tăng trưởng mạnh từ 90 triệu USD năm 1999, lên 1,5 tỷ USD vào năm 2017, nhưng từ khi "dính thẻ vàng" IUU thì kim ngạch xuất khẩu ngày càng sụt giảm.
Phó Chủ tịch VASEP đề xuất thành lập chợ đấu giá hải sản để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, qua đó giúp minh bạch nguồn gốc thủy sản, doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong công tác thu mua.
Đồng quan điểm với bà Sắc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) Phan Thị Huệ cho biết, 4 năm dính “Thẻ vàng” của EC là 4 năm “tăng trưởng lùi” của xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Theo bà Huệ, EC đánh giá cao sự hợp tác, quyết tâm và trung thực của Việt Nam nhưng đồng thời cũng đưa ra 9 khuyến nghị tập trung vào 5 vấn đề lớn là, hoàn thiện khung pháp lý; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá; quản lý cường lực khai thác; nâng cao hiệu quả của công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản và cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế để đạt hiệu quả tốt nhất.
Để hoàn thành nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng” EC vào cuối năm nay do Chính phủ giao phó, ngành thủy sản cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị VMS giám sát tàu cá…
“Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của người dân và doanh nghiệp”, bà Huệ nhấn mạnh.
Đối với đề xuất chia sẻ dữ liệu giám sát tàu cá để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong khâu thu mua, ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản đã có giải đáp, theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP, quy định lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá thì dữ liệu này chỉ dành cho các cơ quan chức năng có liên quan nên đề xuất chia sẻ thông tin tàu cá cho doanh nghiệp là không thể. Tuy nhiên, bám theo quy chế tiếp cận thông tin thì doanh nghiệp có thể tìm hiểu theo 2 cách sau, doanh nghiệp chủ động tiếp cận với Chi cục Thủy sản hoặc Văn phòng đại diện tại cảng để xác định tàu cá đó có vi phạm quy định khai thác IUU, có được cấp giấy phép. Cách thứ 2 là trực tiếp yêu cầu chủ tàu cá cung cấp hành trình từ tài khoản VMS để chứng minh nguồn gốc thủy sản đánh bắt.