Tạm giữ nhiều đối tượng
Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Mai Thị Dần, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (tại đường 30/4, TP.Vũng Tàu) để điều tra hành vi Buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự.
Việc khởi tố, bắt tạm giam bà Mai Thị Dần nằm trong diễn tiến điều tra đường dây sản xuất, buôn lậu xăng giả (chuyên án 920G) do Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ Công an thực hiện. Các quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Sáng 21/10, hàng chục cảnh sát thuộc Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và một số cục nghiệp vụ Bộ Công an đã bao vây chặt đường vào cảng, bên trong cảng, tàu neo đậu của Công ty TNHH Hà Lộc. Công ty được biết đến là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu rộng khắp các tỉnh, thành phố phía Nam.
Lực lượng Cảnh sát cơ động phong tỏa tàu thủy tại khu vực bến cầu cảng Công ty TNHH Hà Lộc |
Sau hơn 4 giờ khám xét, cảnh sát thu giữ nhiều tài liệu liên quan. Ngoài bà Dần, Cơ quan điều tra cũng tạm giữ một số đối tượng khác có liên quan đến hoạt động buôn lậu của công ty này.
Trong giai đoạn 1 chuyên án 920G, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố hơn 70 bị can về các tội danh: Buôn lậu; Sản xuất buôn bán hàng giả; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ...Đồng thời, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để khởi tố 13 bị can trong chuyên án thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng.
Đường dây được "bảo kê"
Đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã khởi tố ông Ngô Văn Thụy (57 tuổi) - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, để hoạt động được với quy mô như trên, ngoài các thủ đoạn tinh vi, phức tạp, các đối tượng đã khống chế, mua chuộc nhiều cá nhân của các lực lượng có chức năng phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu trên biển tại nhiều vùng, nhiều tỉnh để những người này bảo kê, bao che cho hoạt động phạm tội.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, các đối tượng đã mua các tàu viễn dương có tải trọng lớn từ 3.000 đến 5.000 tấn, giao dịch mua xăng lậu, xăng giả từ nước ngoài rồi vận chuyển về phao số 0. Tại phao số 0, các đối tượng sử dụng các loại hóa chất, bột màu để pha chế thành xăng giả RON A95, sau đó vận chuyển vào nội địa, đến địa điểm tập kết là ụ nổi giữa lòng sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Từ ụ nổi, các đối tượng tiếp tục bơm xăng lậu, xăng giả qua các tàu thủy đem về các kho chứa dọc theo các tuyến đường sông, sau đó cấp cho các xe bồn, xe đầu kéo chở đi tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam.
Thậm chí, các đối tượng đã thành lập nhiều công ty vận chuyển, công ty mua bán xăng dầu để làm bình phong; thuê các kho chứa dọc theo các tuyến đường sông và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, có giá trị lên đến hàng nghìn tỉ đồng để buôn lậu xăng, dầu.
CQĐT xác định, các đối tượng đã đưa trên 200 triệu lít xăng lậu, xăng giả ra thị trường tiêu thụ, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Nhóm tội phạm buôn lậu xăng dầu trong đường dây này đã lũng đoạn thị trường xăng dầu trong nước.
Đáng chú ý, chuyên án đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng quan trọng và kê biên tài sản do các bị can phạm tội mà có, với trị giá trên 1.000 tỷ đồng.
Duy Quang
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.42751338042011202-uat-gnuv-o-uad-gnax-murt-ab-tab-gnod-gnur/nv.zibefac